Thứ Ba, 13/08/2024, 09:15 (GMT+7)
.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 160 NĂM NGÀY AHDT TRƯƠNG ĐỊNH TUẪN TIẾT (20-8-1864 - 20-8-2024) VÀ ĐÓN NHẬN BẰNG CÔNG NHẬN DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH

Những bài học vô giá

Trương Định - người con ưu tú của dân tộc, đã gắn cuộc đời mình với vùng đất Gò Công. Ông cùng nghĩa quân viết nên trang sử vẻ vang ở Nam kỳ trong những năm đầu chống Pháp xâm lược.

Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công là cuộc đấu tranh tiêu biểu nhất, có ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn nhất trong công cuộc chống quân Pháp của nhân dân Nam kỳ ở nửa cuối thế kỷ XIX, là điểm son sáng ngời trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

ẢNH HƯỞNG TO LỚN 

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng, khởi nghĩa Trương Định đã tạo nên dấu son lớn trong lịch sử dân tộc thông qua quy mô và sức ảnh hưởng to lớn. Nghiên cứu của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp, được đề cập trong tác phẩm Căn cứ Gò Công và thế trận lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Trương Định, đã chỉ ra rằng trên địa bàn Gò Công, Trương Định cho thiết lập nhiều đồn lũy, pháo đài, về phía Tây lên đến giồng Ông Huê (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây ngày nay) nhằm ngăn địch chuyển quân bằng đường thủy từ Sài Gòn xuống qua sông Vàm Cỏ; về phía Đông Nam xây đồn lũy đến tận biển, mà hầu hết các tiền đồn đều được bố trí theo rạch Vàm Giồng, dọc theo sông Cửa Tiểu, xóm Trại cá Tăng Hòa và cù lao Lợi Quan nằm án ngữ ngay tại Cửa Tiểu, đề phòng quân Pháp tiến đánh Gò Công từ mặt biển. Đồng thời, Trương Định còn cho nghĩa quân đắp các cản trên sông và ở biển để ngăn tàu chiến địch.

Ngày 19 và 20-8 hằng năm là dịp người dân mọi miền đất nước về thắp hương và viếng thăm Đền thờ, Lăng mộ AHDT Trương Định tại huyện Gò Công Đông và TP. Gò Công.
Ngày 19 và 20-8 hằng năm là dịp người dân mọi miền đất nước về thắp hương và viếng thăm Đền thờ, Lăng mộ AHDT Trương Định tại huyện Gò Công Đông và TP. Gò Công.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đại bản doanh của Trương Định được đặt tại giồng Sơn Quy, cách huyện lỵ Tân Hòa (TP. Gò Công ngày nay) khoảng 3 km về hướng Tây Bắc. Tại giồng Sơn Quy, Trương Định cho xây một chiến lũy, gọi là lũy Sơn Quy, được đắp bằng đất, cao khoảng 1 m, nằm dọc theo rạch Sơn Quy. Ngoài ra, nghĩa quân còn đắp một chiến lũy nữa, gọi là lũy Dung Giang.

Lũy này nằm ở phía Tây giồng Sơn Quy, gồm có nhiều đoạn, bắt đầu từ xóm Mới ở cuối giồng Sơn Quy chạy dọc theo rạch Gò Công, tạo thành hình vòng cung bảo vệ giồng Sơn Quy. Tại ngã ba rạch Sơn Quy và rạch Gò Công là điểm xung yếu, nên lũy ở đoạn này được đắp kiên cố, dài 300 m, cao trên 1 m và mặt lũy rộng khoảng 6 m.

Về phía Bắc giồng Sơn Quy, tại ngã ba làng Tân Niên Trung (xã Tân Trung, TP. Gò Công ngày nay) còn có một lũy Sơn Quy, gần đồn chính có một gò đất cao, gọi là Gò Thổ Sơn, được dùng làm nơi các tướng lĩnh nghĩa quân quan sát, chỉ huy trận địa…

Trương Định sinh năm 1820 tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, con ông Trương Cầm, lãnh binh tỉnh Gia Định. Thời vua Thiệu Trị, ông theo cha vào Nam, cưới vợ ở Tân An.

Ông từng giữ chức Chánh Quản cơ chỉ huy 6 liên đội, phòng giữ đồn điền chống Pháp, sau thăng chức Phó lãnh binh tỉnh Gia Định. Chống hàng ước Nhâm Tuất năm 1862 của triều đình Huế, chống lệnh vua, ông ở lại cùng dân chiến đấu, nhận chức Bình Tây Đại Nguyên soái do dân phong.

Uy danh Trương Định đã vang lừng 6 tỉnh và cả nước. Ngày 20-8-1864, ông bị địch vây đánh tại “Đám lá tối trời”, thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông ngày nay.

Ông bị thương nặng và dùng gươm tuẫn tiết, thọ 44 tuổi. Với truyền thống “sống oanh liệt, chết vẻ vang”, ông xứng đáng là AHDT.

Ngày nay, ngay cổng khu Di tích Ao Dinh (ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), được cho là nơi Trương Định tuẫn tiết, được dựng tấm bia đá hoa cương ghi dòng chữ: “Nơi đây, rạng sáng ngày 20-8-1864 tên Huỳnh Văn Tấn (Đội Tấn) từng hoạt động cùng Trương Định đã phản bội, dẫn giặc Pháp về bao vây hòng bắt sống Trương Định và nghĩa quân thân cận của ông. Trương Định bị thương nặng trong cuộc tử chiến với giặc. Để không cho giặc bắt sống, ông đã dùng gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng”. 

Theo nghiên cứu của Ths. Lê Ái Siêm, những chiến công vang dội của nghĩa quân Trương Định còn in dấu trên đất nước ta, những địa danh như Đồn Cây Mai, Đồn Rạch Tra, Lũy Đồng Sơn, Rạch Gò Công, Đám lá tối trời… cùng hàng trăm địa danh khác ở miền Đông, miền Tây Nam kỳ đã nói lên quy mô và ảnh hưởng to lớn của cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa với nhiều chiến công vang dội ấy minh chứng cho sức mạnh của khối đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Nam kỳ quyết không chịu làm người dân mất nước, của đội quân đồn điền do ông chiêu mộ trước họa ngoại xâm… Bởi vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết trong Điếu Trương tướng quân, rằng: “Trong Nam tên họ nổi như cồn/ Mấy trận Gò Công để tiếng đồn…”.

GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

Khởi nghĩa Trương Định đã để lại những giá trị to lớn trong lịch sử dân tộc. Chính vì thế, trong ngày 19 và 20-8 hằng năm là dịp người dân mọi miền đất nước về thắp hương và viếng thăm Đền thờ, Lăng mộ Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định tại huyện Gò Công Đông và TP. Gò Công, đặc biệt là những đoàn khách đến từ tỉnh Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh.

Cách đây mấy năm, TX. Gò Công (nay là TP. Gò Công) cũng đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam, với 3 công trình được tôn vinh gồm: Đền thờ và Lăng AHDT Trương Định, Tượng đài Trương Định và quyển sách gỗ độc bản “Tiểu sử Trương Định” bằng 3 thứ tiếng.

Khu Lăng mộ AHDT Trương Định tại TP. Gò Công.
Khu Lăng mộ AHDT Trương Định tại TP. Gò Công.

Đặc biệt, năm 2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các sự kiện này đã góp phần nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa cho thế hệ kế thừa, niềm tự hào về tấm gương kiên trung, bất khuất của Trương Định, mà còn có ý nghĩa để giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta cho các thế hệ mai sau.

Những bài học lớn từ khởi nghĩa Trương Định cũng được để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trao đổi gần đây, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, có nhiều yếu tố rất đặc biệt xoay quanh AHDT Trương Định. Trước hết phải nhận thấy được rằng, Gò Công là quê của ông Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Phạm Thị Hằng tức Từ Dụ Thái Hậu (thân mẫu của vua Tự Đức).

Lúc bấy giờ nói yêu nước phải gắn với tôn kính vua Tự Đức. Tuy nhiên, câu hỏi đang đặt ra là làm sao vừa đánh Pháp vừa triệt tiêu tư tưởng bạc nhược của Tự Đức. Đó là điều rất khó nhưng Trương Định đã làm được.

Bởi vì Trương Định đã theo lòng dân. Nguyễn Đình Chiểu đã viết rất hay: Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền/ Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại. Giữa dân và nước, Trương Định đã chọn dân.

Đất nước lâm nguy, chọn dân tức là chọn đối tượng quyết định vận mệnh của dân tộc, từ bỏ ảnh hưởng của hoàng đế để đi theo lòng dân. Đó là sự chọn lựa rất sáng suốt, rất đúng đắn và lịch sử đời đời trân trọng.

Tượng đài AHDT Trương Định tại TP. Gò Công.
Tượng đài AHDT Trương Định tại TP. Gò Công.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, đối với người Tiền Giang nói chung và Gò Công nói riêng, đặc biệt là tuổi trẻ cũng cần lưu ý mấy vấn đề. Nói đến Trương Định là nói đến một người có năng lực, có ý chí và có nghệ thuật tổ chức khẩn hoang.

Tên tuổi của Quản cơ Trương Định đã gắn liền với sự nghiệp tổ chức khẩn hoang của ông. Ngày xưa chỉ có khẩn hoang, ngày nay tuổi trẻ có quá nhiều công việc để làm. Làm việc gì cũng được miễn là việc đó ích nước lợi nhà. Bài học đầu tiên của Trương Cầm (thân sinh của Trương Định) và của Trương Định bắt đầu từ đó. Hơn nữa, những người đi theo Trương Định cũng là những người thể hiện được điều đó.

Bài học thứ hai là khi vận nước lâm nguy thì thái độ trang nghiêm nhất, đúng đắn nhất là cầm lấy vũ khí để mà cứu nước. Lúc bấy giờ, giữa anh hùng và phản bội, giữa cao thượng và thấp hèn thể hiện một cách rất rõ ở chỗ ai dám hoặc không dám chống kẻ thù của dân tộc. Trương Định là người nêu cao nghĩa khí, cầm vũ khí để chống lại quân xâm lăng.

Bài học đó đối với tuổi trẻ hiện nay là chúng ta không thể tách biệt ra khỏi vận mệnh của dân tộc, phải có trách nhiệm với dân tộc, thực hiện trách nhiệm bằng tất cả khả năng và điều kiện riêng của mình.

ANH PHƯƠNG

.
.
.