Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
(ABO) Đó là Hội nghị chuyên đề trực tuyến toàn quốc diễn ra ngày 31-8, tại TP. Đà Nẵng, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải đến tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn 3 - Phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Cụ thể, năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt tối thiểu 70% và đối với các địa phương đạt tối thiểu 30%; năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt tối thiểu 85% và đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung bao gồm các nội dung chính về: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; phát triển hạ tầng số; xây dựng kho dữ liệu số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, nhất là về triển khai dịch vụ công trực tuyến, những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; chỉ ra những thách thức, tồn tại, bất cập và bài học kinh nghiệm…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng, góp phần thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới, phù hợp, hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tăng cường kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng người dân chỉ cung cấp thông tin một lần cho các cơ quan nhà nước…
LÊ MINH