Thứ Hai, 19/08/2024, 10:54 (GMT+7)
.

Nâng chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập

Trong giai đoạn 2018 - 2023, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn huyện, đáp ứng yêu cầu đổi mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Thực hiện Đề án 02 của Tỉnh  ủy Tiền Giang về việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐCSNCL”, Huyện ủy Gò Công Tây đã ban hành Chương trình hành động số 26, 27 và Đề án 05 ngày 5-6-2018 về việc thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy.

Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang làm việc tại huyện Gò Công Tây.
Đoàn khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang làm việc tại huyện Gò Công Tây.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Gò Công Tây đã ban hành kế hoạch và tập trung triển khai đến Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, ĐVSNCL huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện; đồng thời, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Qua đó, góp phần tạo chuyển biến trong tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị đối với việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các ĐVSNCL. 

Theo đó, giai đooạn 2018 - 2023, trên địa bàn huyện Gò Công Tây thành lập 6 đơn vị sự nghiệp giáo dục, 4 đơn vị sự nghiệp khác thuộc huyện và 2 đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Gang. Đến nay, huyện có tổng số ĐVSNCL là 42 đơn vị, gồm sự nghiệp giáo dục 37 trường (16 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 6 trường trung học cơ sở); 5 đơn vị sự nghiệp khác, trong đó có 1 đơn vị sự nghiệp tự chủ là Ban Quản lý Dự án và Phát triển quỹ đất huyện.

Đoàn khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang vừa có buổi làm việc với huyện Gò Công Tây về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn huyện. Đồng chí Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo các trường học, nhất là những bất cập về cơ chế chính sách.

Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát tổng hợp và xem xét chuyển ý kiến, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền của trung ương và địa phương để có giải pháp tháo gỡ những bất cập, vướng mắc về cơ chế chính sách, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trong thời gian tới…

Theo đánh giá của UBND huyện Gò Công Tây, sau sắp xếp, tổ chức lại, các ĐVSNCL từng bước ổn định, hệ thống tổ chức và quản lý được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, bảo đảm tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, có cơ cấu hợp lý, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong ĐVSNCL.

Hoạt động quản trị tài chính, tài sản công của các ĐVSNCL ngày càng nâng cao hiệu quả thông qua việc ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện chế độ giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của ĐVSNCL.

TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, bên cạnh những mặt đạt được thì việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cũng như thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL tại huyện vẫn còn những khó khăn, hạn chế, thiếu vững chắc. Số ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên chưa tăng về tỷ lệ (%) cũng như số lượng đơn vị.

Xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được do đặc thù của địa phương là huyện xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, đơn vị sự nghiệp không bảo đảm nguồn thu để thực hiện tự chủ...

Bên cạnh đó, nhiều trường học đang gặp khó khăn do thiếu giáo viên, có biên chế nhưng do không có nguồn tuyển dụng; vấn đề tài sản công cho thuê ở vùng nông thôn còn gặp khó khăn; việc sắp xếp các điểm trường theo quy định chưa thực hiện hoàn thành kế hoạch của huyện về sáp nhập 4 đơn vị sự nghiệp giáo dục huyện bậc tiểu học do điều kiện địa lý và quy định số lớp trường đạt chuẩn quốc gia. Một số bất cập, chồng chéo trong quy định giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu chung của cấp trên là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây đã đề ra nhiều giải pháp.

Trong đó, tập trung chỉ đạo chủ động giải quyết các hạn chế trong quá trình thực hiện từ năm 2018 đến nay; đối với những khó khăn vượt thẩm quyền của huyện thì báo cáo, đề xuất các cấp các, ngành có hướng tháo gỡ.

Bên cạnh đó, các ngành huyện cần xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL, danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo ngành, lĩnh vực, cần tranh thủ sự hỗ trợ hướng dẫn của các sở, ngành tỉnh để có hướng dẫn cụ thể về định mức kinh tế - kỹ thuật; đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá để làm căn cứ giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ ở đơn vị có đủ điều kiện bảo đảm được tính bền vững, hiệu quả.

Các ĐVSNCL huyện thường xuyên rà soát vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL điều chỉnh bổ sung đề án vị trí việc làm hằng năm. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các ĐVSNCL trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước; đồng thời, cần có tính kế thừa về kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực trạng nhân lực gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị, bảo đảm sau khi sắp xếp lại ĐVSNCL sẽ tăng cường được năng lực và hiệu quả trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…

HOÀI THU

.
.
.