Chủ Nhật, 11/08/2024, 11:00 (GMT+7)
.

Thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

Ngày 8/8/2024 tại New York, Ủy ban chuyên trách của Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng.

b

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: TTXVN phát

Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên.

Thưa Thứ trưởng Thường trực, xin ông chia sẻ về tiến trình đàm phán Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng?

Đàm phán xây dựng dự thảo Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng là một trong những tiến trình thương lượng đáng chú ý nhất tại Liên hợp quốc trong thời gian qua, với sự tham gia đóng góp trực tiếp của trên 150 quốc gia. Có mấy lý do chính khiến tiến trình này được quan tâm và ủng hộ như vậy.

Thứ nhất, vấn đề an ninh không gian mạng hiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế do sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông. Song song với sự phát triển và những lợi ích to lớn mà không gian mạng đem lại, các hoạt động tội phạm mạng cũng gia tăng một cách đáng lo ngại. Các cuộc tấn công trên không gian mạng phát triển nhanh chóng về cả hình thức và quy mô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của các nước, đe dọa chủ quyền và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia do tính chất xuyên biên giới và ẩn danh trên không gian mạng. Trong khi đó, Liên hợp quốc thiếu một khuôn khổ pháp lý chung để các nước hợp tác chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra, thu thập chứng cứ… liên quan đến tội phạm mạng, vì vậy việc xây dựng và sớm ký kết một công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm trên không gian mạng là rất cần thiết.

Thứ hai, dự thảo Công ước được kỳ vọng sẽ kiến tạo khuôn khổ pháp lý giúp tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng. Dự thảo Công ước khẳng định chủ quyền và trách nhiệm của mỗi quốc gia trong phòng chống tội phạm mạng đi kèm với bảo đảm các quyền con người cơ bản trên không gian mạng; hình sự hóa 11 loại hình tội phạm mạng điển hình, gây nhức nhối nhất; thống nhất quy định 6 biện pháp nghiệp vụ đặc thù; thiết lập cơ chế hợp tác 24/7 giữa cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia, đáp ứng yêu cầu tương trợ tư pháp kịp thời, hiệu quả; khuyến khích cơ chế phối hợp với cộng đồng chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp công nghệ nhằm phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm mạng; cho phép sớm thảo luận xây dựng Nghị định thư bổ sung đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và loại hình tội phạm mới.

Thứ ba, khi đi vào hiệu lực, Công ước sẽ trở thành văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên mang tính toàn cầu quản lý không gian mạng, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy luật pháp quốc tế nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu ứng phó với các vấn đề trên không gian mạng. Công ước cũng sẽ củng cố, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc trong phòng chống tội phạm như Công ước Liên hợp quốc về phòng chống Tham nhũng (UNCAC) và Công ước Liên hợp quốc về phòng chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC). Sự đồng thuận của các nước đối với dự thảo Công ước đã tiếp tục khẳng định giá trị, đóng góp của chủ nghĩa đa phương tại Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.

Dự thảo Công ước là kết quả của một quá trình thương lượng, thỏa hiệp xung quanh các luồng quan điểm, lợi ích và thực tiễn quốc gia khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về phạm vi áp dụng Công ước, các nguyên tắc trong thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ...

Vì vậy, thành công của đàm phán dự thảo Công ước rất đáng khích lệ, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, góp phần thu hẹp khoảng cách về năng lực số giữa các quốc gia.

Thưa Thứ trưởng Thường trực, việc dự thảo Công ước được thông qua có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới, với 78,44 triệu người sử dụng Internet tính đến đầu năm 2024, tương đương 79,1% dân số. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2023, đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh chỉ riêng trong vấn đề lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tăng 64,78% so với năm 2022. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng.

Nhận thức được mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ tội phạm mạng, sự cần thiết tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã cùng các cơ quan chức năng Việt Nam tham gia thảo luận và đàm phán văn kiện ngay từ giai đoạn đầu tiên trong năm 2022. Việc nhất quán ủng hộ việc thành lập cơ chế đàm phán và tham gia tích cực xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định quốc tế.

Đối với Việt Nam, dự thảo Công ước được thông qua mang nhiều ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, dự thảo Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý cụ thể, toàn diện để cơ quan chức năng Việt Nam thiết lập, tăng cường hiệu quả hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật các nước. Bởi tính chất không biên giới của tội phạm mạng, hợp tác quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cơ quan chức năng Việt Nam kịp thời điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ về hành vi phạm tội trên không gian mạng phục vụ công tác truy tố, xét xử tội phạm.

Thứ hai, trong bối cảnh vẫn còn tồn tại sự chênh lệch về trình độ khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng số giữa các quốc gia, dự thảo Công ước mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tham gia và tiếp nhận các cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ. Những cơ chế này sẽ góp phần nâng cao khả năng phòng ngừa, ứng phó với tội phạm mạng của các nước đang phát triển, đóng vai trò hết sức quan trọng giúp xây dựng môi trường không gian mạng toàn cầu lành mạnh, an toàn hơn.

Thứ ba, Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán ngay từ đầu và có những đóng góp thực chất trong các nội dung liên quan đến thực thi pháp luật, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như tham gia điều phối các quy định về biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, với cơ chế đoàn liên ngành, Việt Nam bám sát, tham gia chặt chẽ, hiệu quả, toàn diện các nội dung của Công ước về khía cạnh ngoại giao, pháp lý và kỹ thuật. Điều này góp phần thực hiện nhiệm vụ chủ động, tích cực đóng góp nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế nêu tại Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, thực hiện chủ trương phấn đấu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước nêu tại Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Vậy, công việc tiếp theo cần thực hiện sau khi dự thảo Công ước được Ủy ban chuyên trách thông qua là gì, thưa Thứ trưởng?

Sau khi Ủy ban chuyên trách nhất trí về dự thảo Công ước, tài liệu này sẽ được đệ trình Đại hội đồng Liên hợp quốc để 193 nước thành viên chính thức thông qua trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó, Công ước sẽ được mở để các nước tham gia ký kết cho đến trước ngày 31/12/2026.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu việc chính thức thông qua, ký và phê chuẩn Công ước; rà soát, đánh giá và hoàn thiện các văn bản pháp lý chuyên ngành của Việt Nam nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả, hiệu lực các quy định của Công ước, có tính đến các đặc thù của tội phạm mạng; quan tâm đầu tư hạ tầng và năng lực công nghệ để đáp ứng yêu cầu của Công ước; trao đổi với Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Việc thông qua Công ước mới chỉ là bước đi đầu tiên và sẽ còn rất nhiều công việc ở phía trước và cần sự tích cực, chủ động của các bộ, ngành liên quan.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Thường trực.

Theo Báo Tin tức (TTXVN)

.
.
.