Bài 1: Từ xóa đói đến giảm nghèo bền vững
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cả cuộc đời vì nước, vì dân; trước lúc đi xa, Bác đã để lại Bản Di chúc. Bản Di chúc không chỉ là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng, mà đã trở thành một tác phẩm “đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô cùng quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã gặt hái nhiều thành tựu to lớn, đưa tỉnh nhà ngày một phát triển.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng ngời tư tưởng và hành động vì dân. Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thực hiện di huấn này, Đảng bộ Tiền Giang qua các thời kỳ đã nỗ lực lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với mục tiêu là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Cũng như cả nước, Tiền Giang chịu hậu quả vô cùng nặng nề của chiến tranh khốc liệt. Nhân dân Tiền Giang đã phải hy sinh biết bao xương máu và phải chịu biết bao hậu quả vô cùng nặng nề của chiến tranh.
Cùng với cả nước, Tiền Giang hôm nay mang một diện mạo mới, khang trang và tươi đẹp hơn. Ảnh: DUY NHỰT |
Hàng chục ngàn chiến sĩ ưu tú của Lực lượng vũ trang đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong đó còn rất nhiều người chưa tìm thấy hài cốt; hàng trăm ngàn người dân bị chết, bị thương hoặc chịu hậu quả chất độc điôxin nhiều thế hệ; hàng loạt thành phố, làng quê, cơ sở kinh tế, văn hóa bị tàn phá. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 132 ngàn người có công.
Sau năm 1975, quân và dân tỉnh nhà lại buộc phải cầm vũ khí chiến đấu chống xâm lược ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Trong hoàn cảnh vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa chăm lo xây dựng quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự cố gắng của các tổ chức chính trị - xã hội, toàn thể nhân dân, trong gần 40 năm qua, Tiền Giang đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Từ chỗ là tỉnh nông nghiệp nhưng không ít hộ dân lại thiếu mặc, đói ăn, nhờ những chính sách hợp lý của Đảng bộ, chính quyền nên năm 1990, lần đầu tiên, Tiền Giang đạt hơn 1 triệu tấn lương thực (tăng 24% so với năm 1986).
Chương trình “Ngọt hóa Gò Công” đã mang lại hiệu quả to lớn; công tác khai hoang Đồng Tháp Mười đạt kết quả tốt; các ngành chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng theo hướng thay đổi công nghệ mới, lợi thế sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, Tiền Giang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản.
Nhờ sự phát triển của các ngành kinh tế nên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng nhanh chóng. Cụ thể năm 1985 là 8,7 triệu USD, năm 1990 là 28,5 triệu USD, năm 1999 là 131,8 triệu USD, năm 2010 hơn 500 triệu USD, năm 2018 là 2,69 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2024 gần 3 tỷ USD.
Sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh nhà vì thế không ngừng cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Trong đó, theo báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 12-2009, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2009 đạt 988 USD; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của tỉnh đạt 46,9 triệu đồng, tương đương 2.037 USD và con số này vào cuối năm 2023 là 69,3 triệu đồng. Thu nhập tăng, đời sống vật chất của người dân tỉnh nhà cải thiện đáng kể.
Hiện nay, 100% hộ dân toàn tỉnh có điện chiếu sáng và trên 99% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Mạng lưới giao thông phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/8 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới và tỉnh phấn đấu đến đầu năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
“Giặc đói” là một trong những vấn đề sinh thời được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm loại trừ để nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện di nguyện của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã không ngừng quan tâm và tập trung nguồn lực xóa đói giảm nghèo.
Tháng 10-2017, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 12 và tháng 2-2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 61 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Và từ năm 2021 đến nay, Tiền Giang đã thực hiện tốt Kế hoạch 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị đã tổ chức triển khai quán triệt trong nội bộ đơn vị và xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị mình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành; phân công các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các công việc, nhiệm vụ cụ thể.
Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, công chức, viên chức và người lao động về tiêu chí tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của mỗi đơn vị; khơi dậy ý chí chủ động hỗ trợ giúp đỡ người nghèo.
Các ngành, các cấp, địa phương đã xác định việc gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của các cấp địa phương, trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Tất cả hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội đều nhận được sự quan tâm chăm sóc, được tiếp cận và hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ chăm sóc y tế, nhà ở, tạo sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phong trào “Vì người nghèo” thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng. Nhiều mô hình hay, việc làm nhân ái vì người nghèo được nhân rộng khắp tỉnh như: Vườn cây nghĩa tình, hũ gạo tình thương, nhà đại đoàn kết, tiết kiệm vì phụ nữ nghèo…
Hiện nay, Tiền Giang không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh liên tục giảm theo từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều của tỉnh năm 2016 là 5,87%, đến năm 2018 giảm còn 3,41% và kết quả rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2023 ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo của Tiền Giang đã giảm xuống dưới mức 1% tổng số hộ dân toàn tỉnh, như vậy Tiền Giang đã về đích sớm 2 năm đối với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về giảm nghèo.
Điều đặc biệt quan trọng trong công tác giảm nghèo của tỉnh là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được tăng cường với chủ trương hỗ trợ hộ dân thoát nghèo bền vững, có căn cơ. Từ đó chất lượng giảm nghèo của Tiền Giang đạt cao và tỷ lệ hộ tái nghèo rất thấp.
Theo đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh… đã đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ người nghèo thông qua Chương trình an sinh xã hội và đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” đạt được những kết quả nhất định; đồng thời, động viên các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện và giám sát có hiệu quả các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
MAI HÀ
(còn tiếp)