Văn phòng Đăng ký đất đai tự bảo đảm chi, thu nhập ổn định cho viên chức, người lao động
(ABO) Chiều 1-8, tiếp tục chương trình khảo sát chuyên đề, Đoàn khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát đến làm việc với Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Tiền Giang về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.
Tham gia Đoàn khảo sát có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. |
VPĐKĐĐ là đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…
VPĐKĐĐ là đơn vị sự nghiệp công lập được UBND tỉnh Tiền Giang giao quyền tự chủ tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ. Số lượng người làm việc của Văn phòng được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
VPĐKĐĐ tỉnh có các Chi nhánh VPĐKĐĐ được đặt tại các huyện, thị xã và thành phố là đơn vị hạch toán phụ thuộc chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của VPĐKĐĐ tỉnh. Tổng số viên chức và người lao động của VPĐKĐĐ hiện nay là 481 người; trong đó, viên chức 403 người, lao động hợp đồng 78 người.
Từ năm 2018, VPĐKĐĐ đã tự chủ 100% về nguồn kinh phí hoạt động hằng năm, đảm bảo thu nhập ổn định cho viên chức, người lao động trong quá trình hoạt động. Hằng năm, khi kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ, Văn phòng đã trích nguồn cải cách tiền lương; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi và Quỹ bổ sung thu nhập cho viên chức và người lao động theo đúng Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Bên cạnh đó, để kịp thời động viên viên chức và người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, VPĐKĐĐ đã chi trả Quỹ bổ sung thu nhập cho viên chức, người lao động theo quy định và quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác…
Đồng thời, khi được giao quyền tự chủ tài chính, VPĐKĐĐ đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn; phân bổ hợp lý các khoản chi trong phạm vi dự toán được giao; áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tiết kiệm, tạo nguồn chi thu nhập tăng thêm cho viên chức và người lao động; trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, đơn vị cũng còn một số khó khăn nhất định trong việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; những bất cập trong quy định về số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí gây khó khăn cho đơn vị.
Cụ thể, theo lãnh đạo VPĐKĐĐ phân tích, VPĐKĐĐ là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ thì khi kết thúc năm tài chính đã hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thì đơn vị được trích lập và sử dụng các quỹ theo quy định Điều 14 của Nghị định này.
Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28-11-2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 thì số tiền phí được trích để lại chưa chi hết trong năm cho công tác phí - lệ phí phải chuyển sang năm sau; khi hết 2 năm số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi phải nộp ngân sách nhà nước mà không được trích lập các quỹ theo cơ chế tự chủ tài chính của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Lãnh đạo VPĐKĐĐ phát biểu kết quả thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị. |
Công tác phí - lệ phí là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng cùng với số lượng hồ sơ giải quyết biến động tăng, giảm qua các năm nhưng tập thể viên chức, người lao động Văn phòng luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa việc tuyển dụng nhân sự mới với tinh thần hết sức tiết kiệm chi phí nhằm cải thiện thu nhập, ổn định đời sống, an tâm công tác, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Nhưng số tiền phí để lại chỉ cho phép trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28-11-2023 của Chính phủ mà không được chi các khoản khác liên quan cho viên chức và người lao động.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo VPĐKĐĐ cũng đã kiến nghị Đoàn khảo sát có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn này, giúp đơn vị thuận lợi trong tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị cũng như góp phần tăng thu nhập động viên cán bộ, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với công việc.
Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đã có nhiều ý kiến đánh giá cao kết quả thực hiện tự chủ tài chính của VPĐKĐĐ; đồng thời, đề nghị lãnh đạo VPĐKĐĐ làm rõ cũng như trao đổi về cách làm, kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện tự chủ tài chính; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh cũng đã có nhiều nội dung trao đổi thông tin trả lời các nội dung VPĐKĐĐ kiến nghị theo thẩm quyền.
Đoàn khảo sát ghi nhận các đề xuất kiến nghị của lãnh đạo VPĐKĐĐ. Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp và xem xét chuyển ý kiến kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền của Trung ương và địa phương để có giải pháp tháo gỡ những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập về mặt cơ chế chính sách, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới…
THU HOÀI