Thứ Bảy, 31/08/2024, 20:47 (GMT+7)
.

"Việt Nam, ta lại gọi tên mình"

Rất lâu sau ngày lịch sử 2/9/1945, những thuật ngữ ngành ngoại giao mới dần trở nên quen thuộc với đại chúng. Song, thực chất, ngay từ khi ấy, bản Tuyên ngôn Độc lập đã có thể được xem là văn bản ngoại giao đa phương đầu tiên của nước ta, trở thành di sản tinh thần vô giá, mang tính định hướng sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. Ảnh tư liệu.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ được vị "cha già dân tộc" trang trọng đọc lên trước toàn thể quốc dân đồng bào. Trong sâu thẳm, đó còn là cách Người gửi đến toàn thế giới một thông điệp đanh thép, đánh dấu sự khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng chính là sự tái sinh của một quốc gia nghìn năm văn hiến.

Đầy tinh tế, Người sử dụng chính "những lẽ phải không ai chối cãi được" trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, cùng Hiến chương Liên hợp quốc để khẳng định tính chính nghĩa của "một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay", đồng thời tranh thủ vận động dư luận thế giới: "…dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!", "và sự thật đã thành một nước tự do độc lập".

Sau ngày lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh - "nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ lẫn nhân cách" (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, tháng 8/2016) - đích thân kiêm nhiệm cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, trực tiếp xử lý những vấn đề "sinh tử", trong tình thế "nghìn cân treo sợi tóc", khi cơ đồ vừa mới dựng bị kẹp giữa gọng kìm thù trong giặc ngoài. Người kiên trì bày tỏ nguyện vọng gia nhập Liên hợp quốc. Người nỗ lực vận động các cường quốc phe Đồng minh công nhận nền độc lập của chúng ta. Cho dù thiện chí ấy bị khước từ, thì cái tên Hồ Chí Minh cũng như "vấn đề Việt Nam" cũng đã bắt đầu được chú ý.

Trên thực tế, từ lúc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đến giai đoạn 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng xây dựng một đường lối đối ngoại rộng mở, theo phương châm "thêm bạn, bớt thù", "muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm" (theo GS, TS Vũ Dương Huân, Học viện Ngoại giao).

Người xúc tiến hợp tác với các lực lượng Mỹ ở miền nam Trung Quốc từ đầu năm 1945. Người trò chuyện với thiếu tá Archimes L.A. Patti của Cơ quan tình báo chiến lược OSS khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập (được Patti ghi lại trong Hồi ký Why Vietnam?). Người mềm mỏng, hòa nhã với các tướng lĩnh quân đội Tưởng Giới Thạch. Và trí tuệ sắc sảo cũng như sự mẫn tiệp của Người khiến sau này đại diện Chính phủ Pháp thời điểm đó, Jean Sainteny, phải thốt lên: "Rất tiếc là nước Pháp đã không thấu hiểu hết giá trị và sức mạnh của nhân vật này" (Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ). Hơn hết, Người vẫn luôn cố gắng thắt chặt quan hệ với Quốc tế thứ ba.

Có thể nói, theo ngôn ngữ hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn thực thi một phong cách ngoại giao đa phương, mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên định, "dĩ bất biến ứng vạn biến", mà điều "bất biến" duy nhất chính là lợi ích của đất nước, dân tộc - sự kết tinh truyền thống nghìn năm.

Để kế thừa và phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, trong thời đại mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục gặt hái những thành công, với chiến lược "ngoại giao cây tre" mang dấu ấn sâu đậm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong việc kiện toàn cơ sở lý luận.

Hiện tại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới (trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham chính...). Từ vị thế bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ (bao gồm ba nước có mối quan hệ đặc biệt, bảy đối tác chiến lược toàn diện).

Việt Nam còn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... Chúng ta hai lần được tín nhiệm bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021); hai lần trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2014-2016 và 2023-2025). Không chỉ tích cực đưa ra các đề xuất, sáng kiến, Việt Nam còn luôn sẵn sàng đóng góp thiết thực vào lợi ích chung, như tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình, cứu hộ-cứu nạn, hay các chương trình hành động vì môi trường, hoặc bảo vệ an ninh lương thực - an ninh nguồn nước sạch toàn cầu.

Bên cạnh đó, chúng ta có quan hệ kinh tế-thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, bao gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao. Chỉ trong vòng một năm qua, Việt Nam đã lần lượt đón ba nhà lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới (Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin), trong những chuyến thăm chính thức. Chúng ta cũng từng tự tin đăng cai không ít sự kiện quốc tế quan trọng, như Hội nghị APEC các năm 2006 và 2017, hay cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ, khi đó là ông Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un năm 2019, được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Những thành tựu này là kết quả của một dòng chảy liền mạch, khởi nguồn từ phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh nối dài đến hôm nay và chắc chắn là cả mai sau, với những mệnh đề căn bản: Việt Nam "muốn là bạn với tất cả các nước", song cũng luôn kiên định bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó là hướng đi đã được lịch sử lựa chọn, hướng đi đúng đắn để gìn giữ một non sông gấm hoa, phát triển cơ đồ rạng rỡ.

Trong ngày đại lễ của đất nước, "nhớ lời Di chúc, theo chân Bác", bất giác, ý thơ Tố Hữu lại ngân lên kiêu hãnh: "Việt Nam, ta lại gọi tên mình/ Hạnh phúc nào hơn được tái sinh/ Mát dạ cha ông nghìn thuở trước/ Cho đời hai tiếng mới quang vinh"…

(Theo nhandan.vn)

 

 

.
.
.