.
Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn mới

Bài 2: Rà soát, sàng lọc đảng viên

Cập nhật: 11:17, 19/08/2024 (GMT+7)

Bài 1: Sợi chỉ đỏ xuyên suốt

Công tác rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục trong suốt tiến trình phát triển hơn 94 năm qua của Đảng. Trước thực trạng một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì công tác rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng càng được Đảng ta đặc biệt quan tâm, xem đó là một trong những giải pháp trọng yếu, là thứ vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng về đạo đức, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.  

Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Nhã thì Đảng cũng giống như cơ thể sống, không thường xuyên rà soát, sàng lọc kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, kỷ luật Đảng sẽ không nghiêm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu suy giảm, Đảng sẽ rơi vào suy thoái từ bộ phận đến diện rộng và toàn Đảng.

TĂNG CƯỜNG RÀ SOÁT, SÀNG LỌC

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Trên tinh thần đó, Chỉ thị 28 ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng khẳng định: Từ khi thành lập Đảng đến nay, nhất là những năm gần đây, thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng. Đồng thời, đã quan tâm rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 28 ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư; 5 năm thực hiện Chỉ thị 33 ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư tại Tiền Giang.                                                                                                                                                                                                                                                                                            Ảnh: PHƯƠNG MAI
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 28 ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư; 5 năm thực hiện Chỉ thị 33 ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư tại Tiền Giang. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Từ đó, Chỉ thị 28 yêu cầu: Thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên ngay từ các chi bộ, kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiến hành rà soát đội ngũ đảng viên, những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, những đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín trong nhân dân thấp…, qua đó chọn lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách; khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh trong công tác đánh giá, phân loại đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Trên cơ sở tổng kết toàn diện, sâu sắc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII và căn cứ tình hình thực tiễn, Đại hội XIII định hướng: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Nhằm thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”.

Trên tinh thần đó, ngày 16-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 21 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới” với mục tiêu: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Đồng thời, Nghị quyết 21 cũng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có giải pháp: Thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; kịp thời chấn chỉnh đối với đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên không thực hiện đúng quy định về chuyển sinh hoạt Đảng; đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín thấp.

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên…

VŨ KHÍ SẮC BÉN TRONG XÂY DỰNG ĐẢNG

Thực tế cho thấy, chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao của Đảng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã mắc nhiều sai phạm dẫn đến bị xử lý kỷ luật, bị khai trừ ra khỏi Đảng, trong đó có không ít trường hợp vi phạm pháp luật bị kết tội.

Cụ thể, Đại hội Đảng toàn quốc đầu năm 2021 đã bầu 200 Ủy viên Trung ương khóa 13 nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, tính đến ngày 19-5-2024, đã có 21 Ủy viên Trung ương được cho thôi nhiệm vụ, trong đó có 10 người cho thôi chức, 3 người bị kỷ luật và 8 người bị khởi tố.

Mới đây nhất, ngày 3-8-2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cho 4 Ủy viên Trung ương Đảng thôi giữ các chức vụ được phân công vì vi phạm các quy định của Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Tiếp theo, ngày 13-8-2024, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Theo đó, Ban Bí thư quyết định khai trừ ra khỏi Đảng 10 đồng chí, trong đó có người nguyên là Thứ trưởng, nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên là Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh…

Trước đó, nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn Đảng có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số đảng viên. Còn trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng đã thi hành kỷ luật 11.005 đảng viên (tăng 1.055 đảng viên so với cùng kỳ).

Và hẳn nhiên, trong đó có những đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng. Đó là minh chứng cho quyết tâm của Đảng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Chỉ thị 28 của Ban Bí thư được triển khai vào thời điểm Trung ương Đảng chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, có hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng. Trên tinh thần đó, đối với tỉnh Tiền Giang, việc triển khai Chỉ thị 28 được thực hiện chặt chẽ, quán triệt đến từng tổ chức cơ sở đảng.

Các cấp ủy chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở thường xuyên thực hiện nghiêm, chặt chẽ việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, trong đó tập trung vào những đảng viên 2 năm liền xếp loại “Không hoàn thành nhiệm vụ”; vi phạm kỷ luật Đảng hoặc pháp luật Nhà nước đã bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật mức cảnh cáo trở lên hoặc đang trong thời gian chấp hành kỷ luật khiển trách lại tiếp tục vi phạm; bị cấp ủy có thẩm quyền kết luận có suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc vi phạm về đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng về thực hiện trách nhiệm nêu gương, hoặc những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm, hay có uy tín thấp trong cơ quan, đơn vị, nơi cư trú mà cấp ủy có thẩm quyền đã kết luận, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và tổ chức Đảng nơi sinh hoạt.

Sau từng đợt rà soát, các cấp ủy xem xét quyết định đưa ra khỏi Đảng những đảng viên vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng. Có thể thấy, các bước triển khai theo quy trình rà soát, sàng lọc gắn với công tác đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm được cấp ủy, tổ chức Đảng chú trọng hơn, thực hiện từng bước đi vào nền nếp.

Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cấp ủy của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã tiến hành rà soát 775 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, trong đó đưa ra khỏi Đảng 275 đảng viên vi phạm tư cách; quyết định đưa 500 đảng viên vào danh sách đảng viên cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ. Sau thời gian 12 tháng, có 433 đảng viên khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, được chi bộ công nhận có tiến bộ; 67 đảng viên tiếp tục giúp đỡ.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 28, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 28 cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên đều nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Nhìn chung, chất lượng đội ngũ đảng viên qua rà soát, sàng lọc được nâng lên rõ nét, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng có sự chuyển biến tích cực; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

NGUYÊN CHƯƠNG

(còn tiếp)

.
.
.