Tháng 9, nhớ Bác!
Trong những ngày tháng 9 đặc biệt của dân tộc, dòng người đổ về khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh đông hơn bao giờ hết. Không chỉ người dân Việt Nam mà đông đảo bạn bè quốc tế cũng có chung mong muốn được tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật về Bác.
Trở về “cõi Bác xưa”
Nằm kề bên Lăng Bác, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã sống và làm việc suốt 15 năm cuối cuộc đời (1954-1969). Tất cả di sản vật chất từ ngôi nhà, vật dụng đến mỗi con đường, hàng cây, ao cá…, cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành “cõi Bác xưa”, với một “trường ký ức lịch sử - văn hóa” đầy đủ, nguyên gốc, hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người.
Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chia sẻ, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những cán bộ từng phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại, dốc lòng, dốc sức trông nom, gìn giữ di tích của Bác, từ ngôi nhà, vườn cây, ao cá đến đồ dùng hàng ngày. Nhà sàn đúng giờ vẫn có tiếng đài và đèn bật sáng. Cửa vẫn mở hàng ngày, đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ đợi Người.
Ông Nguyễn Văn Đoàn, một trong những chiến sĩ cảnh vệ được phục vụ bên Bác, cũng là một trong những người đầu tiên ở lại chăm lo giữ gìn, bảo quản nơi Bác Hồ đã sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Kề cận bên Bác suốt những ngày Bác mệt nặng, ông Đoàn được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Bác, quạt nhè nhẹ để Bác đi vào giấc ngủ, dùng gạc mềm vuốt nhẹ cổ, họng mỗi khi Bác có cơn ho… “9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969 tại ngôi nhà 67, Bác đã ra đi. Đây là lần cuối cùng tôi và 4 đồng chí người Nghệ An quê hương Bác (Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Nhương, Ngô Ngọc Châu, Đặng Ngọc Hợi) và các thầy thuốc, nhân viên y tế, một số đồng chí có trách nhiệm khác được ở bên Bác và tiễn Bác đi xa”, ông Đoàn rưng lệ khi nhớ lại. Kỷ niệm về những năm tháng bên Bác chính là “tài sản” vô giá mà ông Đoàn đã gói ghém, nâng niu trong sâu thẳm trái tim mình.
Những con đường trong khu di tích tuy không còn đón bước chân của Bác mỗi ngày, nhưng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế vẫn theo lối sỏi quen đến thăm nơi ở và làm việc của Bác… Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng xúc cảm trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay cả trong cuộc sống đời thường của mình.
“Để hiểu và yêu quý đất nước, con người Việt Nam thì chúng ta cần phải hiểu được những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa về đất nước mình. Mỗi lần đến đây lại thêm một lần tôi học được nhiều điều hơn nữa từ vị lãnh tụ vĩ đại này”, bà Katherine Muller, nguyên Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bày tỏ sau nhiều lần tới thăm nhà sàn Bác Hồ.
Những kỷ vật vẹn nguyên hơi ấm Bác Hồ
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), chị Vũ Thị Minh Nga cùng cậu con trai nhỏ chăm chú đứng rất lâu trước khu vực trưng bày bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình năm xưa. Chị Nga cho biết, đây là lần thứ 2 trong vòng 5 năm qua, chị đưa con từ Đà Nẵng ra thăm bảo tàng và lần nào cũng vậy, khi bước vào không gian này, trong lòng chị trào dâng cảm xúc tự hào, trân trọng và biết ơn.
“Mỗi tư liệu, hiện vật được trưng bày đã toát lên hình ảnh một vị cha già dân tộc sống cuộc đời bình dị, gần gũi và đầy tính hy sinh. Với chúng ta, những thế hệ trẻ chưa từng một lần được gặp Bác nhưng vẫn thấy hình ảnh Bác rất đỗi thân quen. Chúng ta không được may mắn để được Bác chia quà hay tặng những kỷ vật như các thế hệ ông cha, nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp của Bác qua lời kể của những người từng may mắn được gặp, được làm việc cùng Bác và qua cả những tư liệu còn sống mãi về Bác”, chị Nga xúc động tâm sự. Từ Đà Nẵng ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác, tham quan các khu vực trưng bày hiện vật về Người, được mẹ con chị gọi là hành trình “Tự hào Việt Nam”.
Tháng năm đã trôi qua, hàng chục ngàn tư liệu, hiện vật, hình ảnh… về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được bảo quản, lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đem lại cho mỗi người tới nơi này thật nhiều cảm xúc. TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, thông tin, hiện nơi này đang có hơn 17.000 hiện vật được lưu trữ (tính cả hiện vật trưng bày). Tất cả hiện vật này đều liên quan đến Bác, như những bản thảo do Người viết tay hoặc đánh máy; sách, báo, tài liệu mà Người đã đọc; những vật dụng thường ngày Người dùng khi còn sống. Qua mỗi năm, số tư liệu hiện vật được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm ngày càng nhiều hơn. Trong đó, có cả những hiện vật là món quà Bác dành tặng cho đồng bào. Có những gia đình ở nước ngoài có đồ Bác tặng, họ quay lại đây để tặng hiện vật cho bảo tàng. Gắn với mỗi hiện vật không chỉ là hơi ấm, là tình cảm Bác Hồ mà còn là những lời dạy của Bác đi theo suốt cuộc đời mỗi con người.
Trong những ngày tháng 9 đặc biệt này, nhà nhà, người người lại cùng hướng về Bác, nhớ về Bác. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản vô giá, mãi soi sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo sggp.org.vn