Thứ Tư, 25/09/2024, 12:21 (GMT+7)
.
LAN TỎA CUỐN SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

"Văn hóa là hồn cốt của dân tộc"

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (gọi tắt là Cuốn sách) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về văn hóa.

Nội dung của cuốn sách thể hiện tầm nhìn sâu rộng, chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng, khoa học và nhân văn về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

ĐÚC KẾT NHỮNG GIÁ TRỊ SÂU SẮC VỀ VĂN HÓA

Là một nhà văn hóa lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trọn đời vì nước, vì dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh của văn hóa mà Đảng, Bác Hồ đã xác định.

Đồng thời, luôn quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng, bản chất của văn hóa Việt Nam và việc phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn” và “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: https://dangcongsan.vn/

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự chắt lọc, đúc kết, hệ thống hóa những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; phân tích, làm rõ quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc…

Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn về những giá trị cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng ta về công tác xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Cần khẳng định rằng, xuyên suốt dòng chảy của lịch sử dựng nước và giữ nước, nền văn hóa Việt Nam đã hình thành, phát triển và đương đầu với những thử thách. Chính những lúc khó khăn, gian khổ, dân tộc ta đã tỏ rõ bản lĩnh trong việc giữ vững, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc...

Từ khi đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát triển văn hóa. Người đã khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Người cũng nêu rõ định nghĩa về văn hóa, chỉ rõ lý do tồn tại và phát triển của văn hóa là vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống.

Vì lẽ đó, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa đã trở thành “ngọn đuốc” soi đường chỉ lối trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Qua từng giai đoạn lịch sử cách mạng, Đảng ta có sự thay đổi quan trọng về nhận thức, tư duy lý luận về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn theo hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

“KIM CHỈ NAM” CHO SỰ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC

Cuốn sách gồm 928 trang, được tuyển chọn từ 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Nội dung Cuốn sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc...

Với những lập luận đầy sức thuyết phục, dẫn chứng phong phú và sinh động, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, làm rõ nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khái quát những thành tựu, hạn chế, phân tích, nêu rõ nguyên nhân và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng giải pháp phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Phần thứ hai: “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững” được tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa (văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản…) và quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa.

Phần thứ ba: “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống”, gồm 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Trong nhiều bài phát biểu, bài viết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nhất quán khẳng định nguyên tắc: Phát triển kinh tế văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nội dung cốt yếu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới; phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.

Để khắc ghi những giá trị sâu sắc về văn hóa, đồng thời lan tỏa nội dung Cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngày càng thấm sâu vào nhận thức, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn bộ đời sống, hoạt động xã hội, đặc biệt là các cơ quan, cán bộ, đảng viên làm công tác văn hóa phải nhận thức đầy đủ, toàn diện về đường lối, chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam trên cơ sở giữ vững nguyên tắc “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với nhân dân chung sức, chung lòng tâm huyết xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

LÊ NGUYÊN

 

.
.
.