Tiền Giang: Phát triển tổ chức Đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33 ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành văn bản triển khai thực hiện; chỉ đạo tổ chức tuyên truyền và vận động chủ doanh nghiệp ủng hộ việc xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, phát triển đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp.
Từ đó, nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống; đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
TĂNG SỐ LƯỢNG LẪN CHẤT LƯỢNG
Tính đến cuối tháng 4-2024, toàn tỉnh Tiền Giang có 45 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; trong đó, có 1 đảng bộ cơ sở, 25 chi bộ cơ sở và 20 chi bộ trực thuộc, được phân theo từng loại hình kinh tế tư nhân như sau: 23 công ty cổ phần, 12 công ty TNHH, 2 doanh nghiệp tư nhân, 8 công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong 5 năm qua, các cấp ủy thành lập 16 tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. |
Có 681 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân, trong đó có 468 đảng viên ở công ty cổ phần, 108 đảng viên ở công ty TNHH, 25 đảng viên ở doanh nghiệp tư nhân, 80 đảng viên ở công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Chất lượng đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân tăng theo từng năm thể hiện qua trình độ chuyên môn: Năm 2019, đảng viên có trình độ đại học trở lên 162, chiếm 33%; năm 2023, đảng viên có trình độ đại học trở lên 283, chiếm 42% (tăng 9% so với năm 2019). Cơ cấu độ tuổi của đảng viên được trẻ hóa, tỷ lệ đảng viên từ 18 đến 30 tuổi năm 2019 là 59, chiếm 12%, đến năm 2023 là 127, chiếm 19% (tăng 7% so với năm 2019).
Trong 5 năm qua, các cấp ủy thành lập 16 tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân; trong đó, có 3 công ty cổ phần, 6 công ty TNHH, 2 doanh nghiệp tư nhân, 5 công ty có vốn đầu tư nước ngoài; kết nạp 117 đảng viên, chiếm 17,18% so với đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Thực hiện Hướng dẫn 08 ngày 27-9-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tiến hành rà soát, thống kê phân loại các đối tượng là chủ doanh nghiệp tư nhân.
Qua đó, tiến hành nhận xét, đánh giá, xác định các chủ doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện thông qua chi bộ đưa vào danh sách cảm tình Đảng. Kết quả, các đảng bộ chọn 35 chủ doanh nghiệp tư nhân đưa vào danh sách cảm tình Đảng.
Sau thời gian giáo dục, học tập, rèn luyện, có 12/35 cảm tình Đảng tự nguyện làm đơn xin vào Đảng. Các chi bộ, cấp ủy thực hiện quy trình kết nạp đảng viên đúng quy định của Điều lệ Đảng, Hướng dẫn 08 của Ban Tổ chức Trung ương, trong đó xem xét kết nạp vào Đảng 12 chủ doanh nghiệp tư nhân. Công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên luôn được chú trọng, qua đó đã xem xét, kết nạp 117 đảng viên mới.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trong các đơn vị kinh tế tư nhân ngày càng chuyển biến rõ nét, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện của mỗi đơn vị.
Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên đã làm tốt công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; động viên đoàn viên, hội viên chấp hành đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia xây dựng, phát triển đơn vị.
CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HƠN NỮA
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra, còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Bí thư. |
Các chỉ tiêu về phát triển tổ chức Đảng và đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra; số lượng tổ chức Đảng được thành lập còn ít so với tổng số đơn vị doanh nghiệp hiện có (trên 6.000 doanh nghiệp).
Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp nhưng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên là người lao động chưa tương xứng; một số doanh nghiệp có đảng viên nhưng cấp ủy chưa có giải pháp hiệu quả thực hiện tạo nguồn, kết nạp đảng viên để đủ số lượng thành lập tổ chức Đảng.
Chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng chưa cao, vai trò hoạt động trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; nền nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng thấp; chưa tạo được nguồn kết nạp đảng viên. Đa số công nhân, người lao động trong các đơn vị kinh tế tư nhân đều là lực lượng trong độ tuổi thanh niên, nhưng tỷ lệ kết nạp đoàn viên chỉ đạt 0,17%; thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên đạt 0,69%, chiếm tỷ lệ rất thấp.
Thẳng thắn nhận rõ những khó khăn, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, các cấp ủy Đảng đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề ra nhiều giải pháp.
Kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước cho thấy, bài học được đúc kết chính là sự sâu sát của các cấp ủy Đảng đã giúp chủ trương đi vào cuộc sống. Bởi muốn thành lập được tổ chức Đảng, các cấp ủy phải nắm chắc được tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, phải thực sự coi trọng và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động.
Để củng cố, phát triển tổ chức Đảng, đẩy mạnh kết nạp đảng viên nói chung và kết nạp đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân nói riêng đạt kết quả cao, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Tiếp tục triển khai, quán triệt và thực hiện hiệu quả các nội dung theo Chỉ thị 33 của Ban Bí thư và Đề án 03 ngày 28-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng và của các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, các chủ doanh nghiệp, người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của việc thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.
Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Cấp ủy huyện chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy chi bộ với chủ doanh nghiệp; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ cho đội ngũ cấp ủy viên; triển khai các hoạt động của Đảng, đoàn thể gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp phải được chi bộ phản ánh, chính quyền và các cơ quan chức năng luôn quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong việc kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng; khắc phục tình trạng doanh nghiệp có tổ chức Đảng song thực chất đảng viên, tổ chức Đảng không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ.
Quan tâm phát triển tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn phải đi trước một bước. Do đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, giác ngộ về giai cấp trong đội ngũ công nhân, lao động; phối hợp, tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và điều lệ của mỗi tổ chức. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp theo hướng ngắn gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Các khu công nghiệp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh tế tư nhân phát triển đảng viên, thành lập tổ chức Đảng.
Phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các đơn vị kinh tế, chủ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên. Thí điểm hướng dẫn sinh hoạt Đảng ở các chi bộ trong khu, cụm công nghiệp với nhiều hình thức phù hợp.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người lao động trong doanh nghiệp bảo đảm chất lượng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp nghiên cứu nội dung, hình thức tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp về ý nghĩa, vai trò của việc phát triển đảng viên, thành lập tổ chức Đảng đối với doanh nghiệp.
Hướng dẫn cụ thể chương trình các lớp bồi dưỡng, hình thức tổ chức lớp học, thời gian học tập... đối với cảm tình Đảng, đảng viên mới là công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp với hình thức phù hợp.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, hỗ trợ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Các khu công nghiệp khi có yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo các tổ chức Đảng tiếp cận chủ doanh nghiệp để đối thoại, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện các chủ trương của Đảng; đặc biệt, xem xét giải quyết các kiến nghị, đề xuất của chủ doanh nghiệp được tổ chức Đảng, đảng viên phản ánh trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đúng quy định của pháp luật.
Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các đoàn thể chính trị - xã hội lãnh đạo các tổ chức trực thuộc tăng cường công tác phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp vào Đảng.
PHƯƠNG MAI