BÀI 2: Thẳng thắn đánh giá để nâng cao chất lượng
Bài 1: Nguyên tắc xuyên suốt của Đảng
Một trong những giải pháp được Tỉnh ủy Tiền Giang chú trọng nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị là “tự soi, tự sửa”. Thực tế cho thấy, việc thường xuyên tự phê bình và phê bình (TPB&PB) ngày càng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị, địa phương.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, Đảng bộ Tiền Giang luôn xem công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong toàn bộ hoạt động của mình, tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục công tác TPB&PB để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến từ các ngành, các cấp bằng việc định kỳ tổ chức giao ban với các ngành trong khối nội chính, với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh; với các Ban và Văn phòng Tỉnh ủy; giao ban với các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc; tổ chức hội nghị gặp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở để thảo luận, trao đổi thông tin.
Đây là những hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, hướng về cơ sở của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Định kỳ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều trực tiếp tiếp dân; chỉ đạo nhiều vụ việc phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát năm 2023. Ảnh: HẠNH NGA |
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, đồng bộ, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, bước đầu tạo dư luận tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nổi bật là duy trì nền nếp sinh hoạt chi bộ, trong đó nhiều địa phương, đơn vị, cơ quan thực hiện sinh hoạt vào ngày cố định hằng tháng; ý thức chấp hành và tham gia sinh hoạt của đảng viên cao hơn và đầy đủ hơn.
Nội dung sinh hoạt được các cấp ủy hướng dẫn chi bộ chuẩn bị bài bản; vì vậy, chất lượng cũng được nâng lên, chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm để sinh hoạt chuyên đề. Với mục đích nắm và hiểu thêm tình hình thực tế của chi bộ, qua đó định hướng những nội dung trọng tâm để chỉ đạo nâng cao chất lượng chi bộ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh từ cơ sở.
Thời gian qua, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã về cơ sở và tham gia sinh hoạt cùng các chi bộ; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch và khâu nối lịch sinh hoạt chi bộ để các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh định kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Công tác lãnh đạo của cấp ủy trong việc kiểm điểm, TPB&PB ở một vài địa phương, đơn vị chưa đạt yêu cầu. Việc TPB&PB của một số cấp ủy và cá nhân vẫn còn thể hiện sự ngại ngùng trong việc đưa ra ý kiến. Ý kiến góp ý chủ yếu nêu bật những ưu điểm, trong khi khuyết điểm, hạn chế và thiếu sót lại ít được chỉ ra; việc phân tích và làm rõ nguyên nhân của những khuyết điểm cũng như trách nhiệm cá nhân liên quan vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Còn tình trạng nhiều đảng viên nể nang, ngại va chạm, dẫn đến việc ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ hoặc có tư tưởng “dễ người, dễ ta”, nhất là các đảng viên trẻ. Một số ít đồng chí vẫn chưa tự nêu rõ kết quả khắc phục các hạn chế và khuyết điểm từ những lần kiểm điểm, TPB&PB trước đó. Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ một số ít cấp ủy viên và đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác TPB&PB”. ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác kiểm tra, thanh tra được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực ngăn ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám sát từng bước được đổi mới từ lãnh đạo, chỉ đạo đến việc thực thi; việc phối hợp với các ngành liên quan được thực hiện chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả.
Cụ thể, năm 2023, công tác kiểm điểm, TPB&PB được các cấp ủy quan tâm, tổ chức lãnh đạo, triển khai và thực hiện tốt. Trong đó, có 1.626 tập thể lãnh đạo cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã thực hiện kiểm điểm, đạt 100%.
Đối với cá nhân, có khoảng 48.000 đảng viên tham gia kiểm điểm, đạt 99,91%; có 38 đảng viên chưa kiểm điểm, chiếm 0,09%; 4.212 đảng viên không phải kiểm điểm do miễn công tác, sinh hoạt và đảng viên kết nạp dưới 6 tháng…; qua đó cho thấy tinh thần trách nhiệm cao trong công tác TPB&PB.
Đặc biệt, để công tác kiểm điểm, TPB&PB đạt chất lượng, đi vào nội dung trọng tâm, cấp ủy cấp trên đã gợi ý kiểm điểm cho 92 tập thể và 96 cá nhân nhằm làm rõ trách nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ được giao đã được thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, nội dung gợi ý kiểm điểm tập trung việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc thực hiện quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; công tác TPB&PB trong sinh hoạt Đảng…
Các tổ chức Đảng và cá nhân đã tích cực khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền chỉ ra từ kỳ kiểm điểm trước. Điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm túc trong việc tự phê bình, mà còn cho thấy sự cầu thị của các tập thể và cá nhân trong công tác xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó, mỗi tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân thực hiện tốt tự liên hệ các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để nhận xét, đánh giá trong kiểm điểm, TPB&PB.
ĐẢNG VIÊN CÒN “NGẠI” TPB&PB
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng thẳng thắn đánh giá: “TPB&PB nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”.
Nghị quyết cũng nêu: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, TPB&PB, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức Đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm...
Nhiều đảng viên cho rằng: Khen thì dễ nhưng phê bình thì rất khó, ai cũng muốn được khen mà không muốn bị chê. Khá nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật và pháp luật, phải xử lý nghiêm khắc. Đa số những người này có vi phạm kéo dài với nhiều hành vi. Nhiều cán bộ, đảng viên là những người trực tiếp chịu tác động hoặc được chứng kiến các sai phạm đó nhưng vẫn không mạnh dạn góp ý, phê bình.
Với tinh thần không né tránh, nhìn thẳng vào thực trạng, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thái Ngọc Bảo Trâm cho rằng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác TPB&PB trong Đảng bộ Khối vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Thực tế còn không ít tổ chức Đảng, đảng viên trong bản kiểm điểm, đánh giá cuối năm còn “vô tư” tự nhận: Hạn chế trong công tác TPB&PB, chưa mạnh dạn phát biểu... Nhiều cuộc họp, sinh hoạt Đảng, Bí thư, cấp ủy như độc thoại, rất ít ý kiến tham gia của các đảng viên; khi cần xin ý kiến thì 2 từ “thống nhất” khá phổ biến.
Chất lượng công tác TPB&PB ở trong những tổ chức Đảng này không thể nâng lên; việc phòng ngừa sai phạm chưa thường xuyên, việc phát hiện khuyết điểm, vi phạm của đảng viên chưa kịp thời, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, phải kỷ luật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Chính vì không được thẳng thắn góp ý, phê phán nên những cán bộ, đảng viên đó càng “tự tung, tự tác”, sai phạm nối tiếp nhau, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng, dẫn đến không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của cán bộ, đảng viên, để xảy ra sai phạm kéo dài và nghiêm trọng.
Chi bộ, cấp ủy là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên. Người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi, hiểu rõ tính cách cũng như những việc làm của nhau.
Điều đáng nói là ở những tổ chức Đảng đó cấp ủy, chi bộ, đồng nghiệp lại “không biết”, hoặc biết rõ nhưng “ngại” không đấu tranh phê bình.Từ đó, dẫn đến một số sai phạm trong đội ngũ đảng viên khi thanh kiểm tra mới phát hiện.
Những vi phạm phải xử lý của các cán bộ, lãnh đạo trong thời gian qua có thể một phần do “nể nang, không dám đấu tranh phê bình đồng chí, đồng nghiệp” nhưng chủ yếu vẫn do họ không tự thừa nhận hạn chế dẫn tới sai phạm nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Nguyên nhân thường gặp ở những yếu kém trong TPB&PB là một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nhận thức về việc tự kiểm điểm còn nặng tính hình thức, TPB&PB chưa tự giác, chưa gương mẫu và thiếu quyết tâm thực hiện.
Tình trạng “ngại” phê bình, “ngại nói thật” trong sinh hoạt chi bộ và cả sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ vẫn khá phổ biến. Điều đó làm cho việc phê bình không còn đúng thực chất và mất đi ý nghĩa, thậm chí phê bình chỉ còn là hình thức để cho hoàn thành nội dung cuộc họp.
(còn tiếp)