Thứ Hai, 28/10/2024, 10:37 (GMT+7)
.
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân chủ, nhân quyền

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề dân chủ (DC), nhân quyền (NQ); đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện nhu cầu chính đáng của mình trong xã hội.

Những thành tựu nổi bật mà nước ta đạt được về thực hiện DC, NQ là bằng chứng đanh thép để phản bác các luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề DC, NQ để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở nước ta.

THÀNH TỰU VỀ QUYỀN CON NGƯỜI LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, các lực lượng thù địch đã phủ nhận, xuyên tạc tình hình DC, NQ của nước ta, với mục đích nhằm gia tăng sức ép, tạo cớ can thiệp nội bộ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn lấy “nhân dân là trung tâm, là chủ thể” trong quá trình xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước, luôn kiên định thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Và thực tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện vấn đề DC, NQ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền con người không chỉ được pháp luật bảo hộ, mà còn được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Quang cảnh buổi tập huấn về công tác bảo vệ, đấu tranh về NQ trên địa bàn tỉnh năm 2024.                                                                                                      Ảnh: LÊ MINH
Quang cảnh buổi tập huấn về công tác bảo vệ, đấu tranh về NQ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024. Ảnh: LÊ MINH

Cụ thể, quyền con người, quyền công dân được khẳng định trong Hiến pháp của nước ta, đặc biệt là tại khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Theo đó, nhân dân có quyền thực hiện các quyền như: Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước; quyền khiếu nại, tố cáo và giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật… Đó là cơ sở để tạo nền tảng chính trị, pháp lý; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân tại Việt Nam.

Đặc biệt, sự đổi mới trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua đảm bảo tính công bằng, tiến bộ và bình đẳng, phù hợp với mọi đối tượng, ổn định cuộc sống của nhân dân. Đó là các chính sách về giảm nghèo trên cơ sở áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; từ đó tạo điều kiện để nhân dân tự mình vươn lên, thoát nghèo bền vững và ổn định cuộc sống…

Mặt khác, về các vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo chân chính, đông đảo tín đồ và nhân dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp về các vấn đề tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, quyền tự do ngôn luận, báo chí, Internet ngày càng được phát huy, nhất là trong lĩnh vực báo chí được tạo điều kiện tham gia tích cực vào phản biện các chính sách, đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong xã hội.

Việc đảm bảo, tôn trọng các vấn đề DC, NQ ở Việt Nam không bó hẹp trong phạm vi trong nước, mà còn lan tỏa trong cộng đồng quốc tế. Rõ nét nhất, Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng NQ Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014 - 2016). Điều này thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thực thi quyền con người.

Từ các dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình thực thi, đảm bảo vấn đề về DC, NQ, đảm bảo cho nhân dân thực hiện nhu cầu chính đáng của mình trong xã hội. Đó là những bằng chứng thuyết phục nhất để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu khống, đánh tráo dư luận của các thế lực thù địch.

KẾT HỢP GIỮA “XÂY” VÀ “CHỐNG”, LẤY “XÂY” LÀM TRỌNG TÂM

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện vấn đề DC, NQ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang cùng các cơ quan chuyên trách đã chủ động thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước sự phát triển nhanh của mạng xã hội, Công an tỉnh đã lập 1 nhóm Facebook, 186 trang Fanpage Facebook phục vụ tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã đăng tải, chia sẻ hơn 17.000 lượt tin, bài viết, hình ảnh, video clip, bình luận thông tin chính thống trên các blog, mạng xã hội; gỡ bỏ trên 1.900 tin, bài viết có nội dung xấu, độc, nhạy cảm... góp phần định hướng thông tin, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2024, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu 4,25 tỷ USD, đạt 85% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2023. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng… góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân trong tỉnh.

Trước sự công kích, xuyên tạc của lực lượng thù địch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên trách, đặc biệt là Thường trực Ban Chỉ đạo về NQ tỉnh Tiền Giang trên cơ sở tham mưu, quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thường xuyên nắm chắt tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng thù địch lợi dụng vấn đề DC, NQ để xuyên tạc, kích động dư luận xã hội…

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo về NQ tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng để kịp thời phát hiện, tổ chức có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian qua. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai lực lượng xử lý có hiệu quả tình hình tuần hành, đình công tại các khu công nghiệp, dự án lớn trong tỉnh… nhằm triệt xóa cơ hội các lực lượng thù địch lợi dụng chống phá.

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, Thường trực Ban Chỉ đạo về NQ tỉnh Tiền Giang cho biết, công tác đấu tranh, tuyên truyền về vấn đề DC, NQ cần phải được đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả hơn nữa. Trong đó, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là chú ý đến tính chủ động, kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “chống” làm trọng tâm, làm nền tảng cho công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Đồng thời, cần chủ động tham mưu chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả việc xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tôn giáo, dân tộc…

Cùng với đó, cần phối hợp, chủ động trao đổi thông tin giữa Thường trực Ban Chỉ đạo về NQ tỉnh và Ban Chỉ đạo về NQ địa phương để các sở, ban, ngành, địa phương cùng tiến hành nhiều biện pháp mềm dẻo, giải tỏa một số vấn đề và trường hợp bức xúc, nhạy cảm đang được dư luận quan tâm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về pháp luật NQ, góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở; tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực, kiến thức của đội ngũ cán bộ, quản lý các nội dung về quyền con người; kỹ năng xử lý tình hình cho cán bộ trực tiếp làm công tác NQ tại địa phương,… Quan trọng hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác để phát hiện, phòng chống, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả để vạch trần và đập tan mọi thủ đoạn lợi dụng vấn đề DC, NQ của thế lực thù địch hiện nay.

LÊ NGUYÊN

.
.
.