Cân nhắc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND phê chuẩn
Cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND phê chuẩn vì không tương thích với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp |
Sáng 7-10, tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (sau đây gọi là Luật Hoạt động giám sát). Mặc dù vậy, một số nội dung dự kiến được sửa đổi, bổ sung chưa được phân tích, lý giải thuyết phục. “Các chính sách mới cần có đánh giá tác động đầy đủ, cho thấy hiệu quả, phù hợp thì mới quy định vào Luật”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Về bổ sung quy định giám sát của HĐND cấp trên đối với chính quyền đô thị cấp dưới không tổ chức HĐND, hiện nay, Luật Thủ đô, các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và TPHCM quy định không tổ chức HĐND ở phường hoặc ở cả phường và quận.
Tuy nhiên, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại mỗi địa phương lại có những đặc thù nhất định và trong thời gian tới còn có địa phương khác được thực hiện mô hình chính quyền đô thị (ví dụ như tại thành phố Hải Phòng).
Do mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở các địa phương hiện nay chưa có sự thống nhất, Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát, chỉnh lý nội dung của Điều 5a theo hướng chỉ quy định khái quát về thẩm quyền giám sát của HĐND cấp trên đối với chính quyền đô thị cấp dưới không tổ chức HĐND.
Mặt khác, Điều 14 của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH đã hướng dẫn cụ thể về đối tượng tham dự và trả lời chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND ở các địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Do đó, đề nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện nội dung này trong thực tiễn thời gian qua để nếu phù hợp thì bổ sung vào dự thảo luật, bảo đảm tính tổng thể của quy định này.
Thành viên UBTVQH dự họp |
Về bổ sung tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình trong dự thảo luật. Dự thảo luật bổ sung 4 điều luật mới về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn; 6 điều luật mới về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát và 2 điều luật mới về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc quy định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình là cần thiết, nhưng việc luật hóa các tiêu chí này cần cân nhắc kỹ lưỡng vì có thể sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật. Nếu quy định tại các nghị quyết của UBTVQH thì khi cần thiết có thể sửa đổi, bổ sung, sẽ bảo đảm linh hoạt, kịp thời hơn.
“Việc luật hóa các quy định của nghị quyết của UBTVQH vào dự thảo luật cần phải được tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm đã đủ rõ, có sự đồng thuận cao”, ông Hoàng Thanh Tùng khái quát.
Về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với “người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn...” vì không tương thích với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (chỉ quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Theo sggp.org.vn