Thứ Năm, 31/10/2024, 21:48 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận Đề án Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương

(ABO) Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về, dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; Đề án Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. 

Bày tỏ nhất trí cao với việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, trình tự thủ tục thực hiện lập Đề án đã bảo đảm quy định của pháp luật. Các ĐBQH cho rằng, vừa là cố đô, vừa là trung tâm của miền Trung, Huế mang bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần đặc trưng và thu hút đông đảo khách du lịch. Đề án được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực để Huế phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với tiềm năng vốn có.

Về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân, đại biểu cho rằng, Đề án Thành lập TP. Huế cần có định hướng rõ ràng, chương trình tổng thể, chi tiết và kế hoạch dài hạn để vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa Huế. Cùng với việc mạnh dạn đổi mới tư duy và thúc đẩy các chương trình chuyển đổi phù hợp, đại biểu cho rằng cần có lộ trình cụ thể để tăng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...

Đồng thời, các ĐBQH cũng chỉ rõ những vấn đề cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ sự đồng tình với căn cứ chính trị, pháp lý thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Để xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, văn hóa truyền thống của TP. Huế, dưới góc độ văn hóa xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương thì tất yếu sẽ dẫn đến sự chuyển đổi về cơ cấu xã hội nghề nghiệp và đặc biệt là với nhóm làm nông nghiệp hay đối với nông dân.

Đại biểu đề xuất cần có những giải pháp liên quan đến việc tạo sinh kế cũng như hướng dẫn đào tạo nghề nghiệp cho những nhóm người nông dân, nhóm lao động phi chính thức trong quá trình thành lập thành phố. Khi thành lập thành phố vừa phát triển về kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế. Vì vậy nên bổ sung giáo dục về văn hóa truyền thống gìn giữ những nét đặc sắc của cố đô Huế.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương, phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương, phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, các thành phố trực thuộc Trung ương luôn thu hút một lực lượng lớn người dân di dân cũng như là khách du lịch và khi thu hút một lượng lớn người dân và khách du lịch  sẽ gây một áp lực rất là lớn đến cơ sở hạ tầng xã hội như: nhà ở, y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, phải đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số cũng như là ứng dụng công nghệ thông tin, những thành tựu khoa học của công nghệ để phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống giúp nhiều người dân, khách du lịch có thể tiếp cận, không phải cứ đến trực tiếp thì mới có thể nắm được, có thể chiêm ngưỡng được mà thông qua công nghệ sẽ giúp du khách lan tỏa và cũng sử dụng chính những công nghệ này để kiểm soát nhằm bảo tồn, duy trì bảo vệ những công trình kiến trúc cũng như những giá trị văn hóa hết sức đặc sắc của Huế.

Khi nói đến Huế là nói đến nơi mang rất nhiều những giá trị cao đẹp, truyền thống, lịch sử. Tuy nhiên, song song với những giá trị truyền thống tốt đẹp thì vẫn còn tồn tại những vấn đề mang nặng lễ nghi, những phong tục, những định kiến, định kiến đối với phụ nữ và cả nam giới có những ràng buộc về mặt xã hội, về mặt gia đình khiến đôi khi lại còn ràng buộc sự tham gia một cách đầy đủ nhất, phát huy tốt nhất của cả phụ nữ và nam giới trong xã hội.

Do vậy, trong quá trình đi đôi với sự phát triển tiến bộ, hiện đại, năng động của TP. Huế thì trong Đề án Thành lập TP. Huế cần đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để đảm bảo được bình đẳng giới, làm thế nào để có thể phát huy được hết nguồn lực của cả nam giới và phụ nữ trong quá trình phát triển bền vững của TP. Huế.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Liên quan đến việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, đại biểu cũng còn băn khoăn mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề xuất, ban soạn thảo, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu làm sao khi phát triển TP. Huế thì phải bảo tồn các di sản văn hóa trước tiên hơn là nói về vấn đề phát triển kinh tế, vì giữa TP. Đà Nẵng và TP. Huế thì TP. Đà Nẵng sẽ dễ dàng phát triển về kinh tế hơn. Còn TP. Huế nếu chỉ tính vùng lõi không thì mới có nhà đầu tư, nếu ra phía bên ngoài sẽ rất khó. Cho nên là khi quy hoạch để phát triển kinh tế tại vùng lõi này cũng thật sự khó khăn và cũng cần đặt vấn đề bảo tồn lên trên hết…

THU HOÀI - MINH TRÍ

 

 

.
.
.