Thứ Ba, 22/10/2024, 16:22 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

(ABO) Sáng 22-10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang, cơ bản thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu cho việc phòng bệnh, điều trị bệnh là yêu cầu hết sức cấp thiết. Do đó, cần thiết nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt đối với thuốc hiếm, vắc xin, thuốc điều trị bệnh hiếm gặp, thuốc sinh học… và ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư để hoàn chỉnh dự thảo và bảo đảm tính khả thi trong giải quyết các vấn đề bất cập, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết thúc phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết thúc phiên họp

Quan tâm về thuốc không kê đơn, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, thay vì ban hành danh mục cứng bằng văn bản giấy, nên xem xét, công bố, phân loại thuốc kê đơn, không kê đơn ngay khi cấp phép lưu hành. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế vì các nước cũng cập nhật thường xuyên thuốc không kê đơn trên trang web. Cách thức này thuận tiện cho việc tra cứu của nhiều đối tượng và bảo đảm tính cập nhật thường xuyên. Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung khái niệm thuốc không kê đơn trong lực vực như sau: “Thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng không cần đơn thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế”.

Về số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành trên thị trường, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho biết, hiện có hơn 22 ngàn thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng trên 800 hoạt chất. Đại biểu cho rằng, như vậy sẽ có một số loại thuốc giống nhau, trùng lặp, cấp phép với nhiều loại giấy đăng ký lưu hành, điều này làm gia tăng gánh nặng giải quyết hồ sơ cấp phép và tăng gánh nặng giám sát quản lý thị trường của cơ quan nhà nước. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về biện pháp hạn chế cấp mới số đăng ký thuốc để tránh việc trùng lặp.

Về quy định tại điều khoản chuyển tiếp, hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung Luật Dược đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Tuy nhiên, việc cho phép các quy định sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 là rất là gấp rút. Cơ quan thi hành sẽ không có thời gian, kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết nếu áp dụng hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc chỉ áp dụng thực hiện ngay từ ngày 1-1-2025 đối với nội dung cấp thiết nhưng quy định về gia hạn chế đăng ký lưu hành đối với các nội dung khác thì tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn chi tiết, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, toàn diện khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 như Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thuốc là mặt hàng quan trọng với người dân, giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng cần đảm bảo nhiều yếu tố tổng thể…

Theo đó, cần đảm nguồn cung ứng thuốc ra thị trường; phát triển được công nghiệp dược trong nước; giải quyết các vấn đề khó khăn về mua sắm, đầu thầu; công tác tổ chức thực hiện từ vấn đề cấp phép lưu hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở y tế…

Liên quan đến nội dung kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định đây không phải là nội dung mới, nội dung này đã được quy định ở trong Luật Dược 2016 và thực tiễn đã có rất nhiều các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay và tổng kết những tồn tại, vướng mắc để tăng cường công tác quản lý và đảm bảo hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc, chất lượng thuốc, những vấn đề hậu quả phát sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật này cũng đã bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc; trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi; cũng như quy định cụ thể việc các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động cung ứng. Tức là quản lý gốc chứ không phải quản lý ngọn. Qua đó, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc sẽ phải tùy điều kiện, năng lực để rà soát, chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ cho người dân.

Liên quan tới nội dung về cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung và trên cơ sở những bất cập của Luật Dược năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ những điều kiện về tham chiếu, thừa nhận, giảm thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây là đạo luật rất quan trọng, đã được Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH và đã nhận được sự đồng thuận rất cao; mong muốn sẽ được các vị ĐBQH bấm nút thông qua tại Kỳ họp này để đảm bảo tính tương thích.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu thảo luận tại hội trường.

 Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã có 11 ý kiến ĐBQH phát biểu, đặc biệt trong đó có 8 đại biểu trong ngành Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ ý kiến của các ĐBQH.

Không khí thảo luận dân chủ, các ĐBQH đã phát biểu trách nhiệm, sâu sắc về các nội dung của dự thảo Luật trên tinh thần xây dựng, làm cơ sở để Ban Soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và hình thức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ĐBQH trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trước khi tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Quốc hội nghe các báo cáo: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
Đơn vị cung cấp Luật Bắc Dương: Kiến Tạo Niềm Tin uy tín
.