Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
(ABO) Chiều 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Dự án Luật Dữ liệu. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến thảo luận góp ý đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Theo Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia BHYT, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu thảo luận. |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Tại buổi thảo luận tổ, các ĐBQH cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và cho rằng, nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật. Các điều khoản được sửa đổi bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật. Đồng thời, các ĐBQH tham gia góp ý đối với một số nội dung còn băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang quan tâm vấn đề sửa đổi quy định về mức đóng BHYT đối với thành viên hộ gia đình. Theo Khoản 7 Điều 13, đối với thành viên hộ gia đình (trừ học sinh, sinh viên), mức đóng BHYT sẽ được giảm dần: Người thứ 2 là 70%, người thứ 3 là 60%, người thứ 4 là 50% so với mức đóng của người đầu tiên. Đây được đánh giá là quy định hợp lý.
Tuy nhiên, đối với học sinh, sinh viên, mức đóng BHYT hiện nay theo Nghị định 146 là 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% và người tham gia đóng 70%. Mức đóng này vẫn cao hơn so với mức đóng của người thứ 4 trong hộ gia đình. Nhiều cử tri vẫn chưa có sự thống nhất cao trong việc tham gia chính sách này.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, có thể bằng với mức đóng của người thứ 4 trong hộ gia đình (50% mức đóng của người đầu tiên). Điều này sẽ đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân và tạo sự thống nhất cao hơn trong việc tham gia BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân.
Liên quan đến quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang cho rằng, việc quy định tại Điều 32 về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 90% là hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, đã phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập trong trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là sự thiếu thống nhất giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thanh toán và quyết toán chi phí.
Vấn đề này đã kéo dài từ năm 2016 đến năm 2020, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT và gây khó khăn cho các cơ sở y tế. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và đề xuất cơ chế để giải quyết các tranh chấp, vướng mắc và khó khăn này giữa các cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo thực hiện tốt chính sách BHYT.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu tại buổi thảo luận tổ. |
Liên quan đến vấn đề giải quyết vướng mắc trong thanh toán, quyết toán BHYT, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, thực tế, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh gặp khó khăn do chậm thanh toán từ Bảo hiểm xã hội. Hiện đã có quy định trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề xuất bổ sung vào dự thảo luật quy định về một bên thứ ba tham gia quá trình hòa giải giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh để giải quyết các vấn đề chưa thống nhất, tránh phải khởi kiện ra Tòa án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh. Bởi nếu đưa ra Tòa thì sẽ kéo dài xem xét trong khi tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều tự chủ tài chính, cho nên một ngày không được thanh toán bảo hiểm là rất khó khăn để cơ sở y tế hoạt động.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Dương cũng tập trung thảo luận việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến các vấn đề như: Quy định mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, cho phép người bệnh được chuyển tuyến khám, chữa bệnh mà quỹ BHYT vẫn thanh toán; quy định về việc người bệnh ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh có thể được thanh toán BHYT khi khám, chữa bệnh tại tỉnh lân cận; làm rõ vai trò của Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội trong việc xác định danh sách cơ sở khám, chữa bệnh BHYT…
Quang cảnh thảo luận tại tổ. |
Liên quan đến điều chỉnh quy định về chuyển tuyến điều trị, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị cân nhắc việc cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu có đủ năng lực, trang thiết bị để quản lý, theo dõi bệnh nhân chuyển về từ tuyến trên; lưu ý việc chuyển tuyến quá nhiều có thể gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến cơ sở.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung sửa đổi quy định về sử dụng quỹ BHYT, đại biểu đề xuất Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng số tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ bảo hiểm để đầu tư, thay vì giao cho Bảo hiểm xã hội tự quyết định...
Buổi sáng cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT...
THU HOÀI - MINH TRÍ