.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng BCĐ Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Cập nhật: 12:03, 23/10/2024 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 22-10-2024 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

a
Chiều ngày 1-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Các Phó Trưởng ban gồm: Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban Chỉ đạo).

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm:

- Đồng chí Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Đồng chí Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Đồng chí Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.

- Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

- Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

- Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

- Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Đồng chí Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

- Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Đồng chí Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

- Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đồng chí Lê Văn Thanh Thứ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành; sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, bảo đảm không tăng biên chế của Bộ được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

* Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" được phát động từ tháng 4-2024 đã triển khai bước đầu có hiệu quả.

Khi bắt đầu phát động chương trình này, ước tính có khoảng 170.000 nhà tạm, nhà dột nát cần sửa chữa, xây mới, đến nay còn khoảng hơn 153.000 nhà. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025, phải hoàn thành cả 3 nội dung: (i) hỗ trợ nhà ở cho người có công; (ii) hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bài học kinh nghiệm quan trọng là cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với cách làm hiệu quả nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và của cả các gia đình thụ hưởng chính sách; giảm khâu trung gian; từ đó triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, người dân thụ hưởng thật.

Phương châm là Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội hỗ trợ, kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với tinh thần cả nước chung tay, "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".

Theo baochinhphu.vn



 

.
.
.