Thứ Tư, 09/10/2024, 10:12 (GMT+7)
.
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI:

Cử tri quan tâm nhiều đến sạt lở và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang, sáng 8-10, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng ĐBQH tỉnh Nguyễn Kim Tuyến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính đến tiếp xúc cử tri huyện Cái Bè. Tham dự buổi tiếp xúc cử tri còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng.

Tại điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề quan tâm.

LO LẮNG TÌNH TRẠNG SẠT LỞ

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Cái Bè có ý kiến xoay quanh tình trạng sạt lở trong thời gian qua. Cử tri cho biết, các điểm sạt lở đã ảnh hưởng đến hoa màu và đi lại của người dân. Cụ thể là 400 m còn lại của bờ kè ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp và hàng chục điểm sạt lở tại xã Hòa Khánh, cử tri kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh và ĐBQH tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh và ĐBQH tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri.

Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nha cho biết, địa phương có hệ thống mạng lưới giao thông “chằng chịt” đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, thời gian qua, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu khiến huyện Cái Bè và nhiều địa phương trong tỉnh chịu nhiều thiệt hại do sạt lở gây ra. Vừa qua, tỉnh triển khai dự án xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên kinh 28 qua địa bàn huyện Cái Bè.

Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ riêng 9 tháng năm 2024, trên địa huyện xảy ra 29 điểm sạt lở, trong khi đó tổng nguồn vốn đầu tư công của địa phương khoảng 50 tỷ đồng và đã sử dụng hết. Địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ xử lý 29 điểm sạt lở trên sử dụng nguồn ngân sách tỉnh và được chấp thuận 9 điểm với kinh phí khoảng 39 tỷ đồng.

Còn lại 20 điểm sạt lở với kinh phí khắc phục gần 60 tỷ đồng đang được địa phương tính toán, nỗ lực huy động tất cả các nguồn ngân sách để khẩn trương khắc phục. Vì vậy, huyện mong cử tri hiểu và đồng hành cùng chính quyền địa phương do kinh phí còn khó khăn.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Văn Danh đánh giá cao các ý kiến của cử tri. Đồng chí cho rằng, đa phần ý kiến cử tri phản ánh liên quan đến địa phương, thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, tỉnh, huyện, xã, do đó đề nghị lãnh đạo địa phương ghi nhận và trả lời cụ thể thấu tình đạt lý cho cử tri được rõ.

Đối với vấn đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và sẽ có ý kiến tham gia phát biểu tại các diễn đàn của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương nhằm góp phần xây dựng thể chế ngày càng hoàn thiện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Văn Dũng cho biết, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Cái Bè thời gian qua đã được nâng chất rất nhiều so với trước đây. Tổng nguồn ngân sách đầu tư từ năm 2021 đến nay cho địa phương khoảng 3.050 tỷ đồng, riêng đầu tư xử lý sạt lở khoảng 900 tỷ đồng. Huyện Cái Bè vẫn là một trong những địa phương có tình trạng sạt lở phức tạp nhất.

Hiện nay, nguồn ngân sách Trung ương đang tập trung xử lý vấn đề thiên tai, rủi ro của các tỉnh miền Bắc nên năm 2024 sẽ không bổ sung cho tỉnh Tiền Giang và sẽ bổ sung kinh phí phòng, chống sạt lở trong năm 2025.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn sẽ trích ra phần kinh phí để kịp thời khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng từ nay đến cuối năm. Riêng 400 m còn lại của bờ kè ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp đã được đầu tư 28 tỷ đồng và dự kiến công trình sẽ khởi công vào tháng 11-2024.

Ngoài ra, qua khảo sát thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở không riêng gì do thiên tai, mà còn do tác động của người dân cũng rất lớn. Cụ thể, do người dân xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy, cản trở dòng chảy, thay đổi dòng chảy làm ảnh hưởng đến sạt lở. Vì vậy, đồng chí mong cử tri nâng cao ý thức trong việc cùng chính quyền phòng, chống sạt lở, không xây dựng các công trình trái phép để hạn chế tình trạng sạt lở trong thời gian tới.

QUAN TÂM CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Cái Bè đã bày tỏ sự phấn khởi khi Đảng ta rất quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, đài truyền hình cho thấy, nhiều vụ tham nhũng lớn đã đưa ra xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ vi phạm đạo đức của người đảng viên, tham nhũng, tiêu cực gây mất niềm tin cho nhân dân.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Cử tri huyện Cái Bè phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Trả lời ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và thông qua Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định nhằm thực hiện hiệu quả luật này. Minh chứng là thời gian qua nhiều cán bộ đã bị xử lý mà cử tri đã nhận thấy. Chứng tỏ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao. Những vụ việc liên quan đến tiêu cực được đưa ra xử lý đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã đưa ra các giải pháp tích cực và đề xuất đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhằm tiếp tục đấu tranh thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường chất vấn tại nghị trường cũng như công tác chất vấn, công tác giám sát hoạt động thường xuyên hơn để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan thực hiện chính sách pháp luật, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ đưa ra giải pháp cùng với Quốc hội hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là trong các hoạt động kinh tế như quản lý đất đai, quản lý ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công… và các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực.

Chính phủ còn đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cùng với người dân tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện, tố giác các hoạt động có tính chất tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công và cả tư nhân để cùng cả nước đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đoàn ĐBQH tỉnh mong cử tri yên tâm và tin tưởng vào các cơ quan chức năng đã và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tiếp thu ý kiến cử tri liên quan đến vấn đề này để tiếp tục tham gia phát biểu góp ý tại nghị trường Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kỳ họp sắp tới.

TUẤN LÂM  - THU HOÀI

.
.
.