Tiền Giang quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2024 (*)
Sáng 2-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để sơ kết việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị:
Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã phân tích, đánh giá khá cụ thể, toàn diện những kết quả đạt được; những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân 9 tháng qua; đồng thời, đề xuất, kiến nghị giải pháp trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong 3 tháng còn lại của năm 2024. Tôi chỉ nói thêm một số vấn đề có tính gợi mở để các đồng chí nghiên cứu vận dụng và tổ chức thực hiện (Tôi không nói lại phần kết quả vì dự thảo báo cáo và đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã nói rất rõ. Sau hội nghị sáng nay của Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ có cuộc họp để đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý III và 9 tháng năm 2024).
Chúng ta đều có nhận định, đánh giá chung, đó là bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần sớm có giải pháp tháo gỡ, khắc phục và thời gian khắc phục chỉ còn không tới 3 tháng (3 tháng có tính quyết định thành công cho cả năm 2024 và là cơ sở rất quan trọng cho việc hoàn thành Nghị quyết cả nhiệm kỳ Đại hội). Tôi xin nêu 4 vấn đề cụ thể:
Đồng chí Nguyễn Văn Danh chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2024. |
Một là, tình hình thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, kinh, rạch ngày càng nghiêm trọng, đây là một thách thức không nhỏ trong công tác dự báo, phòng tránh và ứng phó đối với chúng ta (Trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 đợt lốc xoáy, làm sập và tốc mái 194 căn nhà, ngã đổ 264 cây ăn trái với tổng thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng; đã xảy ra 65 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch với tổng chiều dài khoảng 6,8 km và kinh phí khắc phục ước khoảng trên 226 tỷ đồng). Mặt khác, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, đã có 876 ha cây sầu riêng bị bệnh cháy lá, 279 ha cây dừa bị sâu đầu đen gây hại; hơn 90 trường hợp bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh cúm gia cầm và đã tiêu hủy trên 2.000 con heo, 3.300 con gia cầm (Những thiệt hại này chưa phải kết thúc, mà sẽ còn diễn biến phức tạp hơn ở những tháng cuối năm).
Hai là, tiến độ triển khai, thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của các huyện, thành, thị còn chậm, đặc biệt là Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Tân Phước 1, đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1), Dự án Xây mới cầu, cống trên tuyến đường tỉnh 863 và việc hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để tiếp nhận Dự án Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp về tỉnh đầu tư, khai thác... Các đồng chí cần kiểm tra, rà soát lại xem, sự chậm trễ này là do đâu, bị tắc nghẽn ở điểm nào để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục với quyết tâm là phải hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương, của cơ sở.
Ba là, tội phạm về ma túy, tội phạm về kinh tế, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm về tham nhũng, tiêu cực và việc khai thác cát trái phép... ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng (đến nay, đã phát hiện, xử lý 146 vụ, 182 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma túy, khởi tố 141 vụ, 192 bị can; 253 vụ, 366 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế; 48 vụ, 102 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép; ngành Thanh tra qua thực hiện 478 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã phát hiện 71 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 3,27 tỷ đồng; phát hiện 16 vụ, 24 đối tượng có dấu hiệu phạm tội về tham nhũng, tiêu cực. Số vụ, việc tuy không lớn, nhưng điều đáng lo là tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm về tham nhũng chưa được ngăn chặn kịp thời và con số như nói trên có thể còn nhiều hơn nhưng do chúng ta chưa phát hiện, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ).
Thứ tư là, một số tổ chức đảng chưa thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị; một bộ phận đảng viên ý thức tổ chức kỷ luật kém, trách nhiệm đối với công việc chưa cao (Điều chúng ta cần suy nghĩ, đó là trong 9 tháng qua đã xóa tên 125 đảng viên, cho ra khỏi Đảng 62 đảng viên. Chúng ta cần suy nghĩ thêm về việc này, có phải vì chạy theo số lượng, vì thành tích mà quên đi chất lượng kết nạp đảng viên mới hay do đảng viên thiếu rèn luyện, thiếu phấn đấu, hay do vấn đề gì khác. Các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là những nơi có đảng viên bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng phải quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác quản lý đảng viên và vấn đề bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới cần đúng thực chất).
Những khó khăn, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Vấn đề đặt ra là, mỗi chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo đâu là nguyên nhân khách quan để kiến nghị, đâu là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất; chúng ta cần phải thay đổi gì trong cách nghĩ, cách làm để nâng cao chất lượng, khẳng định được trách nhiệm của ngành mình, địa phương mình và của chính bản thân mình trước những khó khăn, hạn chế đó. Trách nhiệm này trước hết thuộc về ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, của tập thể ban lãnh đạo (Nếu nói về trách nhiệm tập thể) và của người đứng đầu (Nếu nói về trách nhiệm cá nhân). Vì vậy, mỗi chúng ta đều phải đầu tư suy nghĩ để cùng nhau chấn chỉnh, cùng nhau sửa sai để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành lên.
Quang cảnh hội nghị. |
Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, có tính quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Ngay từ bây giờ, chúng ta có thêm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tập trung chỉ đạo, lãnh đạo về công tác đại hội đảng bộ 3 cấp và đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của mỗi cấp ủy, của mỗi tổ chức đảng và của mỗi chúng ta. Trên cơ sở 22 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong dự thảo Báo cáo của Tỉnh ủy và qua ý kiến phát biểu của các đồng chí; các cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các địa phương cần nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch của ngành mình, đơn vị mình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Tôi xin lưu ý thêm mấy việc:
Trước hết, phải kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, trước hết là về kinh tế - xã hội; ban thường vụ cấp ủy, thường trực UBND cần rà soát 9 tháng qua so với nghị quyết, so với kế hoạch của năm thì chỉ tiêu nào đạt, chỉ tiêu nào chưa đạt; nhận định, đánh giá xem khả năng thực hiện đến cuối năm, đến cuối nhiệm kỳ để có sự tập trung quyết liệt với quyết tâm là phải hoàn thành ở mức cao nhất có thể; đối với các chỉ tiêu có điều kiện thuận lợi, khả năng đạt và vượt thì tăng tốc hoàn thành sớm để chuyển sang tập trung nguồn lực cho các chỉ tiêu còn khó khăn, khó đạt. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 đã được ghi trong Nghị quyết của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện, thành, thị cùng với Ban Thường vụ cấp ủy địa phương chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, các chỉ tiêu và các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024 và Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thứ hai, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương tổng hợp ý kiến góp ý từ các bộ, ngành Trung ương đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện, gắn với quán triệt các nội dung theo Công văn 3145 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công mới các dự án trong kế hoạch đầu tư, các công trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và ở các huyện, thành, thị, nhất là việc theo dõi, phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (giai đoạn 1), kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2); hoàn thành các công trình liên kết phát triển 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh và các dự án có quy mô lớn của tỉnh như đường tỉnh 864 (giai đoạn 1), đường dọc sông Tiền, đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, cầu Tân Phong (huyện Cai Lậy), Dự án Xây mới hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh rạch ra sông Tiền; cùng với đó là vấn đề mở mỏ cát phải đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định để phục vụ các dự án, không để xảy ra tiêu cực, gây thất thoát sản lượng trong quá trình khai thác... Xem xét lựa chọn công trình để chào mừng Đại hội và công trình đó phải thật sự có ý nghĩa thiết thực vì mục tiêu phục vụ cho sự phát triển và phục vụ nhân dân địa phương.
Thứ ba, cần có đánh giá kỹ, sát hơn chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp và chất lượng doanh nghiệp mới thành lập; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, phát triển thị trường nội địa; mở rộng thị trường và sản phẩm có giá trị xuất khẩu (Chúng ta đánh giá xem các yêu cầu này có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp trong tỉnh có thể đáp ứng được). Tăng cường công tác quản lý thu, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách; xử lý thu hồi nợ đọng thuế, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của thanh tra nhằm bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định (Đến thời điểm này, tỉnh ta đã thu đạt trên 102% so với kế hoạch, tăng 23,4% so với cùng kỳ).
Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, nâng chất các tiêu chí theo quy định mới tại các xã đã được công nhận xã nông thôn mới trước đây; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực huy động của địa phương, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để huyện Tân Phú Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Gò Công Đông, huyện Chợ Gạo đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch, để đến năm 2025 tỉnh chúng ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Qua khảo sát thực tế ở một số địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, thì đã có nhiều tuyến đường bị xuống cấp, rác thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, một số tiêu chí chưa được cải thiện, chưa thấy rõ được mức sống, đời sống của người dân được nâng lên, cần chỉ đạo kiểm tra để khắc phục, trường hợp có khó khăn phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, không để dây dưa kéo dài, gây bức xúc trong dư luận và trong nhân dân).
Thứ năm, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và các địa phương tích cực theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời với bão lũ, lốc xoáy, triều cường, ngập úng, sạt lở và phải có dự kiến phương án di dân vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, không để thiệt hại về tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất, về tài sản của nhân dân. Chỉ đạo rà soát các hộ dân đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư, giúp người dân ổn định cuộc sống (Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, hoàn lưu cơn bão số 3 (bão Yagi) và các cơn bão, áp thấp nhiệt đới còn tiếp tục xảy ra từ nay đến cuối năm sẽ gây mưa lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông, kết hợp triều cường dẫn đến mực nước sông Cửu Long sẽ dâng cao; lũ kết hợp với triều cường là nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và an toàn của hệ thống đê bao, bờ bao ở các khu vực trũng, khu vực thấp; do đó, chúng ta cần phải có ngay phương án để chủ động ứng phó).
Thứ sáu, ngành Công an cần phối hợp tốt hơn nữa với Quân sự, Bộ đội Biên phòng trong công tác tuần tra, kiểm soát, bám sát địa bàn, đảm bảo giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, quản lý chặt đối tượng để xử lý kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng, các hành vi khai thác cát trái phép với tinh thần chủ động, tích cực; ngăn chặn kịp thời và không để gia tăng sự vụ, sự việc gây bức xúc trong nhân dân. Tập trung triển khai các giải pháp để kiềm chế và kéo giảm số vụ tai nạn giao thông.
Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự nêu gương trong công việc và trong cuộc sống, đề cao tính chủ động, linh hoạt, tích cực chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vì nhiệm vụ chung gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 27 của Ban Tổ chức Trung ương, Kế hoạch 163 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn 09 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đặc biệt là việc lãnh đạo, chỉ đạo đại hội chi bộ ở ấp, khu phố với quan điểm chung đó là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, trưởng khu phố (trừ những trường hợp đặc biệt, còn gặp khó khăn về nhân sự).
Từng đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cần tích cực, chủ động hơn trong giải quyết, xử lý công việc; phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, các giải pháp 3 tháng còn lại của năm 2024 đạt kết quả cao nhất, làm cơ sở để đạt được kết quả của năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phương châm hành động của chúng ta là “Địa phương quyết liệt, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”; “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm” và “Làm việc nào thì dứt điểm việc đó”.
Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2024 đến đây kết thúc. Chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
NGUYỄN VĂN DANH
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang
(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt