Thứ Bảy, 09/11/2024, 20:59 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

(ABO) Ngày 9-11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận đóng góp nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành nội dung phiên thảo luận
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm điều hành nội dung phiên thảo luận

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT NHÀ GIÁO

Thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu cơ bản đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật này nhằm tháo gỡ một số bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở cấp học mầm non, phổ thông. Những bất cập đối với công tác quản lý đội ngũ nhà giáo ngoài công lập…

Đồng thời, các đại biểu bày tỏ tán thành cao việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể về: Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận.

Cho ý kiến thảo luận Dự án Luật Nhà giáo, liên quan đến quy định điều động giáo viên từ vùng này sang vùng khác, đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị dự thảo cần quy định rõ thời gian điều động như thế nào. Việc điều động này là điều động có thời hạn hay không, nhất là những trường hợp điều động sang vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa? Vì vậy cần nghiên cứu quy định cụ thể thời hạn chứ không thể nói điều động một cách chung chung thì sẽ rất khó trong quá trình thực hiện.

Cũng cho ý kiến thảo luận đối với Dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết để ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời tham gia góp ý thêm một số nội dung như: Tại Điều 16 về tuyển dụng nhà giáo có quy định trường hợp đặc cách ưu tiên để tuyển dụng, như đối với người có trình độ cao, có tài năng và có cán bộ khoa học trẻ, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Ví dụ như đối với cán bộ khoa học trẻ thì trẻ là bao nhiêu tuổi cần làm rõ. Điển hình như đối với Luật Thanh niên thì quy định cụ thể từ 16 đến 30 tuổi gọi là trẻ nhưng mà đối với quy định của Đảng về việc quy hoạch cấp ủy thì đối với Trung ương là dưới 45 tuổi, đối với cấp tỉnh, cấp huyện thì dưới 40 tuổi. Như vậy trong Dự án Luật này, cán bộ khoa học trẻ, cũng cần khẳng định cụ thể, rõ ràng để thống nhất trong cách hiểu, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận.

 Đồng thời, đối với tiêu chuẩn để đặc cách đối với đối tượng này thì cần có quy định đã thực hiện và công bố ít nhất một công trình nghiên cứu có giá trị và công trình này phải được Hội đồng khoa học và cơ quan quản lý công nhận. Như vậy mới được công nhận là cán bộ khoa học trẻ. Bên cạnh đó, đối với tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở Điều 27 quy định là nhà giáo tuyển dụng xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Điều này có thể hiểu chính sách này nhằm động viên, khuyến khích cho đội ngũ nhà giáo.

 Tuy nhiên, qua nghiên cứu văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như văn bản của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang đề nghị cần đánh giá lại để làm sao thực hiện chính sách này đảm bảo phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương hiện nay và đồng thời nên có quy định và giới hạn đối tượng được hưởng chính sách này. Ví dụ như một số bộ môn, một số bậc học, nhiều địa phương đang khó tuyển dụng giáo viên..., để khắc phục được những khó khăn trong thời gian qua của ngành Giáo dục.

 Ngoài ra, liên quan đến quy định về bồi dưỡng nhà giáo, đại biểu cho rằng ngoài việc bồi dưỡng để cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy của nhà giáo thì có thể nghiên cứu để bổ sung thêm bồi dưỡng cho chương trình giáo dục kỹ năng xã hội và đạo đức của nhà giáo để đội ngũ nhà giáo được rèn luyện thường xuyên hơn, đảm bảo được việc nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục mới theo quy định.

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT VIỆC LÀM (SỬA ĐỔI)

Đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đa số các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đồng thời, các ĐBQH cũng cho rằng, quy định của dự thảo Luật góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước; cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang lưu ý, đối tượng người cao tuổi có đặc thù riêng nên chính sách hỗ trợ cũng cần có sự khác biệt. Theo đó, phải phát huy được trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới ngưỡng “dân số già”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận.

Liên quan tới điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 64 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 để tạo điều kiện cho những người lao động nói trên được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.

Ngoài ra, quan tâm tới quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, nhiều ý kiến đại biểu cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.

Để chính sách đạt được hiệu quả cao, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc cơ bản về hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; bổ sung quy định trong dự thảo Luật các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên; cân nhắc quy định cụ thể danh mục công việc được phép tham gia và các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nhóm đối tượng lao động chưa thành niên...

Ngoài ra, các ý kiến đại biểu đề nghị cần làm rõ những vấn đề phát sinh trong tổ chức thực hiện, nghiên cứu, xem xét để quy định phù hợp với sự phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, bảo đảm của ngân sách nhà nước đối với các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước, nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định để làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, thị trường lao động trình độ cao...

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.