.
KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ (4-11-1909 - 4-11-2024)

Trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Cập nhật: 10:01, 04/11/2024 (GMT+7)

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những chiến sĩ cộng sản tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và nhiệt thành của mình, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng tới thắng lợi của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

TRỌN ĐỜI CHIẾN ĐẤU, HY SINH

Từ nhỏ, được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926) đã thôi thúc đồng chí cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, chi bộ Đảng chỉ đạo phong trào vùng núi biên giới Việt - Trung được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Hồng Việt... do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công cùng đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn.

Năm 1937, sau khi trực tiếp chỉ đạo tổ chức xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng ở Bắc Sơn (Lạng Sơn), đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thông Nông (Cao Bằng) để chỉ đạo vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo mở một số lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng.

Từ giữa năm 1938, trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy Bắc kỳ phân công tăng cường chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên và Hải Dương.

Nói về vai trò và đóng góp lớn lao của đồng chí Hoàng Văn Thụ, khi nói về Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nói đến đây, tôi phải nhắc đến những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh,… cùng trăm nghìn đồng chí khác.

Và những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”.

Đầu tháng 8-1938, sau gần 2 tháng củng cố phong trào đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thanh Hà (Hải Dương) tổ chức quần chúng cách mạng trung kiên ở Thanh Hà, củng cố lại phong trào ở đây sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bố khốc liệt.

Ngày 8-9-1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thông báo việc Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ.

Với cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ ủy lập tờ Báo “Giải Phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy và đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ ủy Bắc kỳ.

Cuối tháng 12-1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình phong trào cách mạng trong nước và Hội nghị Trung ương lần thứ 7.

Đây là lần đầu tiên đồng chí Hoàng Văn Thụ được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhận chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về liên lạc và làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng để chuẩn bị địa điểm đón Người về nước và địa điểm tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Tại Hội nghị (5-1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương giao phụ trách công tác dân vận và mặt trận.

Từ giữa năm cho đến nửa cuối năm 1943, công tác vận động quần chúng, xây dựng tổ chức trong các thành phố, trung tâm công nghiệp và đặc biệt là trong công tác địch vận có nhiều khó khăn bởi sự khủng bố của địch. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn bí mật tới các cơ sở trong các thành phố, thị xã, đặc biệt là ở Hà Nội để chỉ đạo công tác.

TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Ngày 25-8-1943, đang trên đường từ đền Voi Phục đến liên lạc với cơ sở binh vận ở ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (nay là khu vực Nhà máy in Tiến Bộ, TP. Hà Nội) thì đồng chí Hoàng Văn Thụ bị cảnh sát, mật thám bắt ở phố Kim Mã. Biết đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, chúng đưa đồng chí về sở cảnh sát đặc biệt, sau đó đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.

Mặc dù bị đánh đập tàn nhẫn, dã man, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn không ngừng khích lệ những anh em cùng bị giam cầm, đánh đập ở Nhà tù Hỏa Lò. Đồng chí Trần Đăng Ninh trong Hồi ký “Những ngày cuối cùng của anh Hoàng Văn Thụ” đã viết: “Đứng trước tấm gương anh dũng của anh… Chúng tôi nghiến răng ăn đòn giặc…

Mỗi lần tập tễnh đi qua buồng tôi, anh lại nói vào: “Có đau thì cũng cố chịu nhé. Đừng quên Tổ quốc và Đảng”. Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, sau khi hỏi cung, đánh đập không được gì, chúng đưa về giam ở Hỏa Lò. Vào lúc 6 giờ kém 15 phút sáng ngày 24-5-1944, cánh cửa sắt xà lim án chém mở.

Một tốp lính lê dương súng ống, nai nịt, lưỡi lê tuốt trần sắp hàng trước xà lim đồng chí Hoàng Văn Thụ, đến cửa buồng giấy mật thám, quan tòa hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí Hoàng Văn Thụ trả lời: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng…”.

Cuối cùng, đồng chí Hoàng Văn Thụ được đưa đến trường bắn Tương Mai (Hà Nội), trước loạt đạn của kẻ thù đã không làm át nổi tiếng hô của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.

NHƯ NGỌC

(tổng hợp)

.
.
.