Củng cố tổ chức Đảng - chìa khóa cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng có rất nhiều sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử, chứa đựng những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh ở Nam kỳ là một trong những sự kiện mang đậm dấu ấn lịch sử đó.
BƯỚC CHUYỂN QUAN TRỌNG
Nghị quyết Trung ương 6 (tháng 11-1939) đã đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu và sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược này của Đảng đã đưa đến chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm Tiền Giang và nói chuyện về diễn tiến cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho. |
Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho củng cố lại do đồng chí Phan Văn Khỏe, Xứ ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy quyết định rút số cán bộ hợp pháp, nửa hợp pháp vào hoạt động bí mật; chuyển trọng tâm công tác từ nội thị về nông thôn, nhưng vẫn duy trì số cán bộ, tập trung phát triển lực lượng cách mạng ở thị xã Mỹ Tho. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các chi bộ khẩn trương củng cố lại các cơ sở, tổ chức Đảng; đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho phong trào đấu tranh cách mạng tiếp theo.
Tháng 3-1940, Xứ ủy Nam kỳ đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân với bản “Đề cương chuẩn bị bạo động”. Từ chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho từng bước chuyển hướng lãnh đạo nhân dân đối phó với sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, vừa tập trung củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể mặt trận từ tỉnh, quận đến làng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh vũ trang.
Giữa tháng 5-1940, từ làng, quận đến nhà máy, xí nghiệp đều được tuyên truyền “Đề cương chuẩn bị bạo động”. Công tác củng cố, phát triển các tổ chức Đảng được đặc biệt quan tâm, giáo dục phát huy vai trò tiên phong của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng bộ quan tâm củng cố, nhờ vậy các chi bộ cơ sở phát triển mạnh.
Các quận đều có Quận ủy hoặc Ban cán sự, hình thành các hội phản đế. Tổ chức Thanh niên phản đế được thành lập ở nhiều làng. Tỉnh thành lập Ủy ban vận động Mặt trận phản đế để tuyên truyền phổ biến mục đích, tôn chỉ, cương lĩnh đấu tranh của mặt trận.
Chủ trương khởi nghĩa bắt đầu được soạn thảo tại Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam kỳ từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940 tại Tân Hương (Mỹ Tho). Sau hơn 1 tháng, Xứ ủy Nam kỳ ra Thông cáo ngày 4-9-1940 về thời cuộc hiện tại, đưa chủ trương khởi nghĩa vũ trang vào chương trình nghị sự cấp bách.
Từ tháng 7 đến tháng 9-1940, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, tất cả các quận trong tỉnh Mỹ Tho, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Tỉnh ủy phổ biến chủ trương khởi nghĩa đến từng chi bộ, đảng viên; giáo dục vai trò tiên phong gương mẫu, tinh thần kiên cường bất khuất của đảng viên cộng sản trong đấu tranh với kẻ thù.
Thông qua các tổ chức Đảng, tổ chức mít tinh tuyên truyền, diễn thuyết, vận động tổ chức quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa. Ở một số quận, các chi bộ thành lập những đội tuyên truyền xung phong, trương băng cờ, biểu ngữ và tổ chức nói chuyện ở những nơi đông người, tạo nên không khí phấn khởi, nhân dân háo hức muốn vùng lên khởi nghĩa đập tan ách thống trị của thực dân đế quốc.
Đồng chí Phan Văn Khỏe còn chỉ đạo các cấp bộ Đảng quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển Đảng, nhanh chóng triển khai các nghị quyết của Xứ ủy, Tỉnh ủy cho từng đảng viên, lãnh đạo từng cấp bộ xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong quá trình chuẩn bị cũng như khi diễn ra khởi nghĩa. Nhờ đó, trong toàn Đảng bộ có sự thống nhất cao về tư tưởng và phấn khởi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ do Đảng tin tưởng giao phó.
HÀO KHÍ NAM KỲ KHỞI NGHĨA
Thực tế ở Cai Lậy cho thấy, trước cuộc khởi nghĩa nổ ra, sự theo dõi, đàn áp nhằm dập tắt “mầm mống Cộng sản” của bọn thực dân diễn ra khốc liệt. Số lượng đảng viên còn lại không nhiều, mỗi chi bộ chỉ chừng 3 đến 5 đảng viên, nhưng họ biết dựa vào nòng cốt để xây dựng lực lượng, đặc biệt là huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia, bao gồm các hương chức hội tề, các nhân sĩ, hào phú, các chức sắc tôn giáo…
Chi đoàn Báo Ấp Bắc về nguồn tại Di tích lịch sử Đình Long Hưng. Ảnh: VĂN THẢO |
Tại Mỹ Tho, các đảng viên cộng sản bí mật thành lập chi bộ đảng với 30 đảng viên, tổ chức ra các tiểu ban cần thiết, lãnh đạo 700 tù nhân đấu tranh với bọn cai tù, phản đối tra tấn dã man, đòi cải thiện điều kiện ăn uống, phải cho tù nhân bị bệnh đi nằm nhà thương.
Song song với các phong trào đấu tranh chung, các chi bộ ở Mỹ Tho còn lãnh đạo đấu tranh ngay trong hàng ngũ lính người Việt, nhằm chống chính sách phát xít, đòi tăng lương… Cuộc đấu tranh tuy đem lại kết quả không cao, nhưng gây được tiếng vang làm thức tỉnh ý thức đoàn kết trong hàng ngũ binh lính người Việt.
Quận Châu Thành được Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn làm căn cứ địa, xây dựng lực lượng khởi nghĩa, lấy vùng rừng Ba U (vùng rừng Thầy Kiện) giáp ranh 3 xã: Long Định, Tam Hiệp, Tân Lý Đông, nằm sát Đồng Tháp Mười.
Việc đặt căn cứ trên đất Châu Thành, Đảng bộ quận lãnh đạo công việc của địa phương được Tỉnh ủy giao, bảo đảm bí mật, an toàn tạo điều kiện khởi nghĩa, có đủ lực lượng trong triển khai thực hiện chủ trương của Xứ ủy để tiến hành khởi nghĩa.
Cũng chính nơi đây khi khởi nghĩa nổ ra, cánh quân của đồng chí Nguyễn Thị Thập tiến thẳng về xã Tam Hiệp giành chính quyền. Đối với quận xây dựng căn cứ địa riêng gọi là căn cứ Bắc Châu Thành, gần căn cứ của tỉnh và Đồng Tháp Mười.
Nhờ vậy, các chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy về khởi nghĩa đều triển khai phổ biến đến các chi bộ, tài liệu tuyên truyền, truyền đơn, báo, cờ từ Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh. Đảng bộ quận Châu Thành còn có cơ quan in riêng đặt tại ấp Đông, xã Kim Sơn in ấn tài liệu phục vụ cho khởi nghĩa.
Đến gần sát ngày khởi nghĩa, đồng chí Phan Văn Khỏe và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Quân sự tỉnh thành lập các Ban của Ủy ban khởi nghĩa. Đồng chí Phan Văn Khỏe còn chỉ đạo thành lập một mạng lưới giao liên để bảo đảm chỉ huy thông suốt và kịp thời.
Như vậy, với nhiệm vụ là Xứ ủy viên phụ trách các tỉnh miền Trung Nam kỳ, rồi Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Phan Văn Khỏe kịp thời quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam kỳ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, lãnh đạo quân và dân Mỹ Tho chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cần thiết để sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh khi khởi nghĩa bùng nổ trên địa bàn tỉnh.
Do khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra chưa chín muồi nên bị thực dân Pháp khủng bố khốc liệt làm cho nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú bị sát hại, nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ; hệ thống liên lạc từ Xứ ủy Nam kỳ đến tỉnh, quận bị cắt đứt…
Trong điều kiện muôn vàn khó khăn, đồng chí Phan Văn Khỏe đã nêu cao tinh thần trước dân, trước Đảng, không quản ngại hy sinh, mưu trí, dũng cảm bám sát địa bàn và tìm mọi cách chắp nối với những đồng chí còn lại sau khởi nghĩa Nam kỳ để khôi phục tổ chức, khôi phục phong trào cách mạng.
Nhờ sự hoạt động năng nổ, nhiệt tình, khôn khéo của đồng chí Phan Văn Khỏe, nên chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí bí mật tập hợp được số đảng viên còn lại, tiến hành củng cố và liên lạc với một số cơ sở Đảng ở các quận trong tỉnh. Lực lượng cách mạng và các tổ chức cơ sở Đảng dần được phục hồi, phong trào cách mạng có điều kiện phát triển hơn trước.
Cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 do Xứ ủy phát động và lãnh đạo là sự kiện chói lọi khi phong trào cách mạng của nước ta bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ Đảng ta có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nêu cao ngọn cờ chống đế quốc, giải phóng dân tộc.
Mặc dù bị giặc đàn áp dã man, nhưng Khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940 đã chứng tỏ ý chí, sức mạnh quật cường của quần chúng bị áp bức; đồng thời, chứng tỏ sự trưởng thành, khả năng tập hợp và lãnh đạo quần chúng cách mạng của các chi bộ Đảng.
Cuộc khởi nghĩa còn là bản hùng ca bi tráng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ nói chung và tỉnh Mỹ Tho nói riêng, là tiếng còi báo hiệu Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 toàn thắng. Cũng chính bài học từ Khởi nghĩa Nam kỳ, Mỹ Tho là nơi có cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm nhất (ngày 18-8-1945) trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.
LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM