Tiền Giang: Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy, cống hiến
Nhận thức vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức (ĐNTT), thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm ban hành các chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh ĐNTT. Đồng thời, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để ĐNTT, các hội trí thức hoạt động, phát triển.
QUAN TÂM, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO ĐNTT PHÁT TRIỂN
Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Tiền Giang dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng, phát triển ĐNTT. Nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành các chương trình, kế hoạch như: Chương trình hành động 29 ngày 9-10-2008 để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Công văn 1638 ngày 19-7-2019 để triển khai thực hiện Kết luận 52 ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư; Chương trình 56 ngày 13-3-2024 thực hiện Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò ĐNTT đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới… góp phần thu hút, bố trí, sử dụng trí thức.
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình trồng nấm bào ngư tại Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU HOÀI |
Đồng thời, Tiền Giang còn ban hành các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ trí thức; cụ thể là, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 02/2019 được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị quyết 22/2022 ngày 10-12-2022 quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực về công tác tại tỉnh; trong đó, gồm các đối tượng thu hút là giáo sư - tiến sĩ, phó giáo sư - tiến sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ chuyên khoa cấp I, người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Y với mức hỗ trợ một lần từ 200 - 400 triệu đồng (tùy theo từng đối tượng).
Ngoài ra, còn có các chính sách khác để khuyến khích trí thức về huyện, xã công tác, tạo điều kiện để ĐNTT phát huy và cống hiến tài năng, sức lực, trí tuệ của mình vì sự phát triển chung của tỉnh nhà. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 76 trí thức, gồm 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa I, 73 đại học chuyên ngành Y về địa phương công tác.
Theo Tỉnh ủy Tiền Giang, một số lĩnh vực còn thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ, năng lực và chuyên môn giỏi để tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu, các dự án ở tầm chiến lược; việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của ĐNTT còn hạn chế; môi trường, điều kiện làm việc có lúc, có nơi còn khó khăn; nhận thức của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ĐNTT chưa đầy đủ; một bộ phận trí thức thiếu chủ động, còn trông chờ, ngại bày tỏ chính kiến; chưa nêu cao ý thức rèn luyện tác phong công tác và ý thức tổ chức kỷ luật… |
Cùng với việc ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho ĐNTT được Tỉnh ủy quan tâm thực hiện; nhất là chú trọng đào tạo trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhu cầu đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức, ở các lĩnh vực.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 39.494 lượt cán bộ; trong đó, đào tạo chuyên môn 154 (cấp tỉnh 36, cấp huyện 96, cấp xã 22), đào tạo lý luận chính trị 5.782 lượt (cấp tỉnh 933, cấp huyện 2.105, cấp xã 2.744); cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn 33.666 lượt và đưa 33 cán bộ đi bồi dưỡng tại nước ngoài theo đề án của Trung ương.
Bên cạnh đó, việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ thực hiện đúng quy trình, phù hợp với trình độ, năng lực, vị trí công tác, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho ĐNTT phát huy trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Còn một số trí thức được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt năng lực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; việc đổi mới cơ chế quản lý gắn với quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm đã góp phần nâng cao chất lượng, phát huy tính năng động, sáng tạo của ĐNTT trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chuyên trách đã tạo điều kiện thuận lợi để ĐNTT tiếp cận, trau dồi và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, để từ đó phát huy thế mạnh, sở trường trong công việc. Nổi bật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các ngành đặc thù có nhiều trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác văn hóa, văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh… góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thống nhất, đồng thuận cao với các mục tiêu, giải pháp đề ra.
CHÚ TRỌNG THỰC HIỆN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Có thể thấy, ĐNTT Tiền Giang ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước phát huy sở trường, tài năng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐNTT nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học lai tạo giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh, giống trái thanh long, xoài cát Hòa Lộc được cải tiến đã giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng sức cạnh tranh; đến các lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, phát triển năng lượng tái tạo và cải tiến dịch vụ du lịch.
Các tác giả nhận Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang vì có giải pháp đoạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV, năm 2022 - 2023. Ảnh: TUẤN LÂM. |
Không những thế, ĐNTT còn đạt nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ đã tận tình tham gia phòng, chống dịch, bệnh, nghiên cứu, ứng dụng phương pháp chữa trị hiện đại vào chăm sóc sức khỏe người dân; đội ngũ giáo viên có nhiều nỗ lực trong việc cải cách các chương trình giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển ĐNTT ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo Tỉnh ủy Tiền Giang, trước hết, cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; quan tâm, đổi mới tư duy, thống nhất và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ĐNTT.
Đồng thời, tôn trọng sáng tạo, dân chủ, lắng nghe phản biện của ĐNTT, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh ĐNTT có nhiều đóng góp trên địa bàn, lĩnh vực được giao; phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là trí thức, nhất là trí thức lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ĐNTT trong tình hình mới; quan tâm phát triển Đảng trong ĐNTT, nhất là trí thức trẻ.
Đặc biệt là cần chú trọng việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh chính sách thu hút, đãi ngộ, tập hợp trí thức Tiền Giang ở trong và ngoài tỉnh, trí thức Việt kiều có trình độ cao về tỉnh công tác hoặc tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới.
Cùng với đó là tạo đột phá, bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; hình thành nền kinh tế tri thức, thúc đẩy liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa trí thức với các giai tầng khác trong xã hội.
Đồng thời, tăng cường phát huy dân chủ, tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của ĐNTT trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo văn hóa, nghệ thuật; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho ĐNTT hoạt động trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn; triển khai kịp thời các chính sách đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhất là trí thức trẻ có trình độ cao vào làm việc ở khu vực công.
LÊ NGUYÊN