Báo chí cần phát huy vai trò định hướng, lan tỏa thông tin chính thống trên MXH
Người làm báo cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội trong việc khai thác và xử lý thông tin trên mạng xã hội (MXH) để định hướng, lan tỏa những thông tin chính thống đến đông đảo độc giả.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin tại tọa đàm chiều 10/12. |
Chiều 10/12, tại Tây Ninh, Chi hội Nhà báo Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức tọa đàm về sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, cùng những vấn đề quan tâm. Mục tiêu của buổi tọa đàm là tìm ra các giải pháp giúp báo chí phát triển mạnh mẽ trong thời đại số.
Nhà báo Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh chia sẻ, MXH và báo chí hiện nay đang phát triển song song, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho ngành báo chí. Sự xuất hiện của MXH đã giúp báo chí tiếp cận độc giả dễ dàng hơn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trong cách thức làm báo.
Trước đây, thông tin chủ yếu được cung cấp một chiều từ nhà báo đến độc giả, nhưng nay nhờ vào tính tương tác của MXH, nhà báo và các tòa soạn có thể theo dõi trực tiếp các ý kiến, phản hồi, cũng như quan điểm của độc giả qua phần bình luận. Điều này không chỉ giúp nhà báo nắm bắt được nhu cầu và mối quan tâm của công chúng mà còn tạo ra cơ hội để điều chỉnh, hoàn thiện các bài viết sao cho phù hợp hơn với yêu cầu của độc giả. Chính sự tương tác này đã góp phần xây dựng mối quan hệ bình đẳng và gắn kết hơn giữa nhà báo và công chúng.
Nhà báo Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nhà báo Tây Ninh, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh phát biểu tại tọa đàm. |
"Hiện nay, nhiều vấn đề và sự kiện được xã hội quan tâm, bàn luận sôi nổi trên các trang MXH trở thành nguồn tư liệu quý giá mà báo chí có thể tận dụng để triển khai các bài viết, giải đáp kịp thời những bức xúc và nhu cầu thông tin của độc giả. Khi đó, báo chí đã sử dụng MXH như một công cụ đắc lực để tiếp cận và phục vụ công chúng. Tuy nhiên, dù mang lại nhiều thuận lợi, MXH cũng tạo ra không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn là việc phát tán thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, thậm chí thông tin giả mạo. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và toàn xã hội", nhà báo Vũ Xuân Trường chia sẻ thêm.
Tương tự, nhà báo Dương Nguyễn Hoàng Anh, Phó Tổng biên tập Báo Tây Ninh cho biết, sự tác động của thông tin từ MXH đến nguồn tin của báo điện tử hiện nay thể hiện rõ cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc thu thập nguồn thông tin từ MXH để triển khai đề tài và sản xuất sản phẩm báo chí không chỉ mang lại lợi ích mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình tác nghiệp. Trước khối lượng thông tin khổng lồ trên MXH, báo chí sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc chọn lọc thông tin có giá trị và tránh đưa tin thiếu kiểm chứng. Vì vậy, khi khai thác nguồn tin từ MXH, báo chí bắt buộc phải kiểm chứng thông tin trước khi sử dụng để tạo thành sản phẩm báo chí.
“Một vấn đề khác là nhà báo, phóng viên cần tránh sa đà vào việc khai thác những chủ đề, trào lưu đang hot trên MXH. Hiện nay, việc khai thác các chủ đề, trào lưu từ MXH diễn ra khá thường xuyên trên các báo điện tử, nhưng đa phần các bài viết chỉ phản ánh một hiện tượng hay vấn đề mà thiếu đi tính định hướng rõ ràng. Ví dụ gần đây nhất là trào lưu về "đám giỗ bên cồn", nhà báo Dương Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, để ngăn chặn tin giả và thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, trước hết, người làm báo cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong việc khai thác, xử lý thông tin từ MXH. Theo đó, nhà báo cần chủ động tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng các nguồn tin trên các trang mạng để lựa chọn đề tài phù hợp; đồng thời báo chí phải đảm bảo tuân thủ quy trình sáng tạo báo chí nghiêm ngặt, từ khâu chọn đề tài, thu thập, đến khai thác thông tin, luôn tôn trọng sự thật là nguyên tắc cốt lõi.
Hiện nay, việc phát triển MXH cũng đã tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đó là tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trở nên phổ biến và khó xử lý. Ông Đoàn Minh Thuyết, Trưởng đại diện báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, việc bảo vệ bản quyền của một tác phẩm báo chí trên nền tảng MXH thực sự gặp rất nhiều khó khăn. Tại đơn vị, không ít thông tin nóng, thông tin hấp dẫn của báo Tin tức đã bị đánh cắp, sao chép và được bạn đọc phản ánh lên báo. Thậm chí, logo của báo Tin tức cũng đã bị một số đối tượng sao chép, gây nhầm lẫn cho độc giả. Tuy nhiên, các tài khoản và trang mạng sao chép thông tin chủ yếu ở nước ngoài nên việc xử lý vi phạm về mặt hành chính gặp rất nhiều trở ngại.
"Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, đơn vị đã áp dụng phương pháp đóng logo bản quyền trên các ảnh, video và tin bài phát sóng, đồng thời tận dụng công nghệ số để ngăn ngừa việc sao chép tin tức, ảnh, thông tin trên báo. Đối với các cơ quan báo chí nói chung và người làm báo, cần học cách sống chung với MXH. Sống chung ở đây có nghĩa là báo chí phải biết tận dụng các lợi thế của MXH như thông tin nhanh, nguồn tin đa dạng và phong phú để sản xuất những bài báo phân tích, bình luận có giá trị cho công chúng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin chính thống trên nền tảng MXH, giúp lan tỏa những thông tin này đến gần với người dân hơn...", ông Đoàn Minh Thuyết nói.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm truyền hình Thông tấn tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với phóng viên truyền hình, mạng xã hội không chỉ là nơi giúp khai thác nguồn tin mà còn là công cụ quan trọng để các cơ quan báo chí lan tỏa thông tin chính thống từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Hiện nay, các kênh truyền hình đang khai thác tốt nguồn thông tin chính thống và phát triển mạnh mẽ trên nền tảng số, đặc biệt là các trang MXH. Mỗi video, clip của đơn vị đăng tải trên các nền tảng này đều thu hút hàng chục ngàn lượt xem.
"Việc lan tỏa thông tin chính thống trên MXH và các nền tảng số ngày nay là hết sức cần thiết, đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng của người làm báo và công tác tuyên truyền. Ngoài ra, kênh truyền hình còn đặc biệt chú trọng phát triển thông tin chính thống đến đối tượng độc giả trẻ, nhóm sử dụng MXH rất tích cực. Sắp tới, để theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của MXH, báo chí cần dành nhiều thời gian hơn để theo dõi và kiểm soát thông tin trên các nền tảng này", ông Hoàng Liên Sơn nói.
Ông Phan Văn Đông, Phó giám đốc, Thư ký Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam chia sẻ tại tọa đàm chiều ngày10/12. |
Theo ông Phan Văn Đông, Phó Giám đốc, Thư ký Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, vấn đề báo chí và MXH không phải là vấn đề mới, nhưng luôn có tính thời sự. Hiện nay, hai loại hình truyền thông này đang song hành trong việc đưa thông tin. Tuy nhiên, báo chí cần phải biết tận dụng MXH để phát triển và lan tỏa những dòng thông tin chính thống đến độc giả, bởi MXH hiện đang chiếm lĩnh và tác động sâu sắc vào đời sống xã hội.
"Thống kê cho thấy, tại Việt Nam có hơn 71 triệu người sử dụng Internet, trong đó ba nền tảng MXH phổ biến nhất là Facebook, Zalo và Tiktok. Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh chóng và đa dạng, MXH hiện đang là kênh thông tin được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, khi trí tuệ nhân tạo phát triển, MXH có thể nắm bắt nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng thông qua hành động của họ trên các nền tảng và đề xuất các nội dung phù hợp. Tuy nhiên, thông tin từ MXH thường không đầy đủ và có cách thức đơn giản, vì ai cũng có thể chia sẻ tin tức. Chính vì vậy, báo chí vẫn là nguồn tìm kiếm đáng tin cậy của người dùng khi cần thông tin có chiều sâu và chính xác. Người làm báo cần phát huy thế mạnh này để lan tỏa thông tin chính thống, sự thật trên nền tảng số và MXH", ông Phan Văn Đông nhấn mạnh.
Theo TTXVN