Thứ Sáu, 06/12/2024, 22:48 (GMT+7)
.

Cần có giải pháp đột phá cho du lịch Tiền Giang

(ABO) Những năm gần đây, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như đề ra các giải pháp nhằm xây dựng ngành "công nghiệp không khói" này thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa X, đại biểu cho rằng Tiền Giang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

DU LỊCH PHÁT TRIỂN

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, chỉ tính trong 9 tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến Tiền Giang tăng cao so với cùng kỳ, nhất là khách quốc tế; với 1,227 triệu lượt khách, đạt 74,4% kế hoạch, tăng 18,3% so cùng kỳ.

Trong đó, khách quốc tế 385 ngàn lượt, tăng 28,9%; khách nội địa 842 ngàn lượt, tăng 14% so cùng kỳ. Dự kiến đến cuối năm, Tiền Giang đạt 1,650 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 550 ngàn lượt, đạt 100% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 1.250 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 28,9% so với cùng kỳ.

Cảng Du thuyền Mỹ Tho được công nhận điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long
Cảng Du thuyền Mỹ Tho được công nhận Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long.

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhờ tác động tích cực của nhiều chính sách trong phục hồi du lịch. 

Cùng với đó là tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển ngành Du lịch kết hợp với việc tổ chức những hoạt động, sự kiện, chương trình tham quan, trải nghiệm thú vị, mới mẻ và hấp dẫn phục vụ du khách nên lượng khách du lịch đến Tiền Giang tăng cao so với cùng kỳ.

Một góc KDL sinh thái Trung Kiên nhìn từ trên cao.
Một góc Khu Du lịch sinh thái Trung Kiên (huyện Tân Phước) nhìn từ trên cao.

Cụ thể, có thể kể đến một số hoạt động trong năm 2024 như: Triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình liến kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; tham gia Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 20; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ X...; tổ chức Đoàn khảo sát mô hình du lịch sinh thái, homestay và các điểm du lịch tiêu biểu tại tỉnh Vĩnh Long.

Bên cạnh đó là thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin, bài viết quảng bá điểm đến du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống và những sản phẩm du lịch nổi bật của Tiền Giang trên các ứng dụng du lịch thông minh như: Bản đồ du lịch điện tử, ứng dụng tra cứu thông tin du lịch TienGiang Tourism, cổng thông tin du lịch…

Đặc biệt, tỉnh thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 5-4-2017 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, vùng Trung tâm, có Dự án Cảng du thuyền Mỹ Tho đã đưa vào hoạt động có hiệu quả, thu hút khá đông khách du lịch và được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; Khách sạn Lạc Hồng đạt chuẩn 3 sao, đã đi vào hoạt động và kinh doanh hiệu quà; Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho tiêu chuẩn 4 sao (giai đoạn 1) đã hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2024; Dự án Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn, đang làm việc với nhà đầu tư để chấm dứt hoạt động dự án, đồng thời rà soát, lập hồ sơ chủ trương đầu tư để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; Dự án Khu du lịch - Nhà hồng - Khách sạn MeKong Paradise đang lập hồ sơ chủ trương đầu tư dự án.

Khu du lịch sinh thái Trung Kiên
Khu Du lịch sinh thái Trung Kiên.

Đối với vùng phía Tây, Dự án Công viên Trái cây Cái Bè đã triển khai thi công xong hạng mục san lấp mặt bằng, đang thẩm định báo cáo đề xuất chù trương đầu tư giai đoạn 2. Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai Đề án Phát triển Du lịch xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Còn Dự án Khu du lịch sinh thái Trung Kiên, các ngành đang rà soát các quy định, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về việc mở rộng đường vào và khai thác tuyến giao thông đường thủy. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Mở rộng Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười.

Đối với vùng phía Đông, Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành đang tiếp tục mời gọi đầu tư phần diện tích còn lại; Dự án Đầu tư kè chống sạt lở biển Tân Thành đã hoàn thành và đưa vào hoạt động; Công trình cầu bộ hành phục vụ khách tham quan thuộc Khu du lịch biển Tân Thành nay đã xuống cấp, đang xem xét phương án xử lý. 

Còn Dự án Khu du lịch sinh thái Gò Công, cơ quan chức năng đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thú tục có liên quan, đảm bảo đủ điều kiện để sớm đưa vào hoạt động; Dự án Khu du lịch sinh thái Làng Yến đã hoàn thành xây dựng các hạng mục, công trình trong giai đoạn 1, cơ quan chức năng đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng các hạng mục trong giai đoạn 2.

LÀM GÌ ĐỂ TẠO ĐỘT PHÁ

Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng cần nhìn nhận rằng, mặc dù có tiềm năng lớn, du lịch Tiền Giang vẫn chưa phát triển mạnh mẽ so với nhiều địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh chưa thật sự hiệu quả.

Du lịch Tiền Giang vẫn chưa có chiến lược marketing bài bản để thu hút khách du lịch quốc tế. Sản phẩm du lịch của tỉnh còn thiếu sự đa dạng, chưa tạo được điểm nhấn riêng rõ nét, chưa có sự đầu tư mạnh mẽ vào các loại hình du lịch cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...

Trại rắn Đồng Tâm
Khách du lịch tham quan Trại rắn Đồng Tâm.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang Phan Vĩnh Thanh cho rằng, du lịch được xem là ngành "công nghiệp không khói" có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Riêng đối với Tiền Giang, đây là thế mạnh vì có rất nhiều lợi thế được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và di tích lịch sử - văn hóa có giá trị.

Tiền Giang còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, với nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Đền thờ Thủ Khoa Huân, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

Tuy nhiên, vừa qua, chương trình bình chọn "Điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long" năm 2024 thì TP. Hồ Chí Minh có 12 điểm đến, Vĩnh Long có 3 điểm đến, Cần Thơ có 8 điểm đến, Bạc Liêu có 4 điểm đến, Bến Tre có 5 điểm đến…; còn Tiền Giang chỉ có 1 điểm đến duy nhất. Đây là vấn đề cần suy nghĩ.

Đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, UBND tỉnh, các ngành liên quan cần có giải pháp thật mạnh, đột phá để lấy lại vị thế của du lịch Tiền Giang. Đơn cử như Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã đến đánh thức vùng đất hoang tại huyện Cần Giờ xây dựng tour du lịch trải nghiệm mà kinh phí nhà nước không bỏ ra nhiều, chủ yếu có giải pháp thu hút người dân cùng tham gia làm du lịch. Chúng ta cần nghiên cứu thêm các giải pháp đột phá trong thời gian tới.

Tiền Giang sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa
Tiền Giang sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng (Trong ảnh: Khu Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Theo UBND tỉnh, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh tập trung một số nội dung chủ yếu như: Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án du lịch có chất lượng cao, thân thiện với môi trường và các điểm đến có tiềm năng phát triển du lịch.

Cùng với đó là đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung xúc tiến quảng bá theo trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch; đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; tận dụng tối đa sức mạnh truyền thông, nhất là truyền thông qua các mạng xã hội để quảng bá du lịch Tiền Giang.

Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển các dự án du lịch tại 4 trung tâm du lịch chính: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Tỉnh tập trung phát triển các dự án du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển ngành Du lịch Tiền Giang.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các sản phẩm mới, khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng của điểm đến Tiền Giang để thu hút khách du lịch; từng bước xã hội hóa trong công tác xúc tiến du lịch; đẩy nhanh chuyển đổi số ngành Du lịch.

Tỉnh cũng sẽ phát triển các loại hình du lịch mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với những xu hướng mới của thị trường; hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng và tạo dựng thương hiệu du lịch vùng trên cơ sở tăng cường hợp tác, liên kết vùng TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

THU HOÀI - TUẤN LÂM

.
.
.