.
CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT:

Mốc son trong lịch sử dân tộc

Cập nhật: 09:06, 25/12/2024 (GMT+7)

Thời gian qua đi, âm vang của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 vẫn còn vang mãi, bất diệt với thời gian. Tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện này không những là đề tài mang đậm giá trị lịch sử thu hút nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu phân tích, tìm hiểu với nhiều khía cạnh, mà đó còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc của nhân dân ta được thể hiện qua lời ca, tiếng hát đi sâu vào lòng người.

SỰ KIỆN MANG ĐẬM GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

240 năm trôi qua, nhưng Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vẫn để lại những dấu ấn và âm vang mãi trong lịch sử và trong lòng dân. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là cuộc tiến công lớn, oanh liệt đầu tiên của nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Tiền Giang nói riêng, cùng với quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ bất chấp những khó khăn, phức tạp của hoàn cảnh lịch sử và sự phản bội của bè lũ phong kiến trong nước, vẫn kiên quyết vươn lên bảo vệ quê hương, hiên ngang trước kẻ thù xâm lược.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh viếng thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vào tháng 3-2009.                                                                                  Nguồn: Bảo tàng tỉnh Tiền Giang
Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Tiền Giang viếng thăm Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vào tháng 3-2009. Nguồn: Bảo tàng tỉnh Tiền Giang

Bàn về chiến thắng này, Dinh Đức hầu Vũ Thế Dinh là tác giả của cuốn sách “Mạc Thị gia phả” đã viết: “Vua Xiêm Cha-kri cũng thừa nhận, quân Xiêm “đại bại”, bọn Chiêu Tăng, Chiêu Sương “ngu hèn, kiêu căng, hung hãn đến nỗi bại trận” làm bại binh, nhục quốc”.

Chính vì trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là một “đòn đánh tiêu diệt”, chứng minh nghệ thuật quân sự độc đáo của Nguyễn Huệ, sự đoàn kết, trung kiên của nhân dân ta và đánh dấu bước ngoặt phát triển của quân đội Tây Sơn…; mà cho đến ngày nay, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là đề tài lịch sử, công trình nghiên cứu quan trọng, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học: Giáo sư Văn Tân, Giáo sư Ca Văn Thỉnh, Giáo sư Phan Huy Lê… nghiên cứu, tiếp cận, phân tích dưới nhiều góc độ, đa chiều, là nguồn tư liệu quý giá, phong phú để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ nghiên cứu, học tập.

Trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử xuất bản năm 1964, Giáo sư Văn Tân nhận định: Sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân đối với quân Tây Sơn khiến cho Nguyễn Huệ khai thác triệt để được nhân tố bất ngờ trong trận phục kích, ông đã đánh địch vào chỗ mà chúng không ngờ rằng có thể bị đánh, ông đã dồn quân địch vào một cái thế hoàn toàn bị động để rồi chớp nhoáng tiêu diệt chúng.

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tóm lại là biểu hiện sinh động sự kết hợp thiên tài của Nguyễn Huệ với nhiệt tình của nhân dân đối với sự nghiệp đánh giặc cứu nước của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Còn trong cuốn sách “Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc” xuất bản năm 1998, Giáo sư Phan Huy Lê và nhóm tác giả đã nhận định: Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Đồng thời, cuộc kháng chiến chống Xiêm thắng lợi mà khâu quyết định là trận Rạch Gầm - Xoài Mút đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới. Từ đấy, phong trào Tây Sơn làm chủ toàn bộ đất Đàng Trong và có điều kiện tiến ra Đàng ngoài lật đổ nền thống trị của tập toàn phong kiến phản động vua Lê chúa Trịnh, làm nhiệm vụ lập lại nền thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.

Cũng từ đấy, phong trào Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc, kết hợp chặt chẽ trong mục tiêu, tinh thần đấu tranh và tổ chức lực lượng, tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Đó là một nét đặc sắc tạo nên nguồn sức mạnh kỳ diệu cho phong trào Tây Sơn trong cuộc chiến đấu liên tục chống thù trong giặc ngoài, lập nên một chuỗi tiến công bất diệt trong lịch sử dân tộc.

“MỘT CÔNG TRÌNH RẤT QUÝ, RẤT CÓ Ý NGHĨA”

Ghi tạc công lao to lớn của cha ông ta trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, tỉnh Tiền Giang đã quan tâm, đầu tư và khởi công xây dựng Khu di tích “Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút” và khánh thành vào ngày 20-1-2005 nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, đã thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, tìm hiểu và học tập.

Cảnh Nguyễn Huệ chỉ huy trận Rạch Gầm - Xoài Mút trong vở “Huyền sử Rạch Gầm”.  Nguồn: https://vannghetiengiang.vn
Cảnh Nguyễn Huệ chỉ huy trận Rạch Gầm - Xoài Mút trong vở “Huyền sử Rạch Gầm”. Nguồn: https://vannghetiengiang.vn

Cũng trong sự kiện khánh thành khu di tích vào năm 2005, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (sau này là Thủ tướng Chính phủ) trong lần về làm việc tại Tiền Giang đã đánh giá đây là: “Một công trình rất quý, rất có ý nghĩa”. Cũng trong năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi viếng thăm khu di tích đã bày tỏ: “Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những chiến công hiển hách của dân tộc ta chống lại các thế lực ngoại ban có dã tâm xâm chiếm nước ta.

Tôi vô cùng phấn khởi thấy Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây khu tưởng niệm Chiến thắng lịch sử này của dân tộc. Khu di tích được xây dựng khang trang, bày tỏ được tấm lòng của nhân dân cả nước đối với công lao to lớn của các thế hệ tiền nhân, những anh hùng bất tử của dân tộc”.

Tháng 3-2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có chuyến viếng thăm khu di tích và viết cảm tưởng về Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút: “Cách nay hơn 220 năm, tại đây người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã chỉ huy toàn quân, toàn dân nhấn chìm hàng vạn quân xâm lược Xiêm làm nên Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Hôm nay, tôi có dịp đến thăm Khu lưu niệm Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Sau khi nghe giới thiệu một số nét cơ bản về di tích và xem các hiện vật trưng bày, tôi thật sự xúc động và tự hào. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi biểu dương ngành Văn hóa của tỉnh Tiền Giang, nhất là cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút đã có nhiều cố gắng trong tôn tạo, sưu tầm, gìn giữ, giới thiệu về những hình ảnh về trận Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút làm cho các thế hệ người Việt Nam có dịp về thăm di tích hiểu rõ những cống hiến to lớn của tiền nhân trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Nhân dịp này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chúc ngành Văn hóa Tiền Giang có nhiều thành tích cao hơn nữa trong hoạt động bảo tồn, bảo tàng những sự kiện, hiện vật lịch sử góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam. Chúc cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích mạnh khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ gìn, bảo vệ Di tích lịch sử quốc gia Rạch Gầm - Xoài Mút”.

MANG LỜI CA, TIẾNG HÁT KHƠI DẬY NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

Để khắc ghi về trận chiến oanh liệt ngày ấy, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc lan truyền qua các thế hệ, trận chiến này được ví von bằng những câu ca dao “Bần gie đóm đậu sáng ngời/Rạch Gầm - Xoài Mút rạng ngời chiến công” hay chuyện xưa tích cũ mà dân gian truyền miệng bao đời nay với ngôn từ thật bình dị, gần gũi, mang nét đặc trưng riêng của nhân dân Nam Bộ: “Ngày xửa, ngày xưa, miệt Rạch Gầm của mình đâu được sầm uất như ngày hôm nay.

Thuở đó, khi ông bà mình đến đây khẩn đất, lập điền, thì chỉ thấy toàn là rừng rậm, cây cối mịt mùng, còn dã thú nhiều không sao kể, nhất là cọp. Tiếng rống của cọp vang dậy cả một vùng, nên ông bà đặt tên chỗ này là rạch Cọp Gầm, rồi về sau, kêu bằng Rạch Gầm cho dễ nhớ”… để nhắc nhớ về trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã giành thắng lợi vang dội, mở ra trang sử oanh liệt đầu tiên về sự nghiệp chống xâm lăng của nhân dân miền Nam, ghi dấu trận thủy chiến lớn nhất ở miền Nam trong lịch sử của dân tộc ta.

Không dừng lại ở đó, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút còn được tái hiện lại bằng những tiết mục nghệ thuật, chương trình nghệ thuật sâu khấu cải lương Nam bộ đã tạo được cảm tình trong lòng khách mộ điệu, từ nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát, nét bi, sự khôi hài, tính trữ tình, chất anh hùng ca vẫn tồn tại trong từng vở diễn cho đến bày trí sân khấu.

Điển hình là các vở cải lương “Huyền sử Rạch Gầm” của soạn giả Huỳnh Anh, vở cải lương “Tiếng sóng Rạch Gầm” của soạn giả Ngọc Linh…, với hình tượng vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cùng những người dân sông Tiền một lòng gìn giữ quê hương được khắc họa sinh động, chân thực.

Qua đó, tri ân và ngợi ca tài trí của những người anh hùng bất khuất đã chiến đấu vì non sông bờ cõi; đồng thời, là kênh thông tin hữu ích giúp các thế hệ trẻ thêm hiểu biết và tự hào về lịch sử của dân tộc.

LÊ NGUYÊN - T.T

.
.
.