.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 240 NĂM CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT (20-1-1785 - 20-1-2025)

Giữ gìn, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

Cập nhật: 11:00, 23/12/2024 (GMT+7)

240 năm qua, hào khí Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vẫn mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, một biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước của nhân dân ta và tài chỉ huy mưu lược, sáng tạo của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Tầm vóc, ý nghĩa của cuộc chiến thắng ngày ấy đã ghi tạc vào sâu trong tâm khảm của con người Việt Nam, được thể hiện qua câu ca dao gần gũi, thân thương nhưng rất đỗi tự hào: “Bần gie đóm đậu sáng ngời/Ra tay một trận rạng ngời uy danh”.

QUAN TÂM, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KHU DI TÍCH

Với ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích quốc gia năm 1992. Tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng Khu di tích quốc gia Rạch Gầm - Xoài Mút (tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) với các hạng mục xây dựng phù hợp không gian và tính chất của một di tích lịch sử để bày tỏ được tấm lòng thành kính của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Tiền Giang nói riêng đối với công lao to lớn của các thề hệ tiền nhân, những anh hùng của dân tộc.

Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, ngày 20-1-2005, Khu di tích quốc gia Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được khánh thành. Đến năm 2014, khu di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2408 ngày 31-12-2014.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút rộng hơn 2 ha, gồm 3 phòng trưng bày: Trong đó, Phòng trưng bày số 1 là Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và phòng trưng bày. Tượng đài là một nhóm tượng bằng đồng được đặt trên một bệ cao ở trung tâm khu di tích.

Nhân vật trên nhóm tượng đồng là Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, tượng được làm bằng đồng nặng 20 tấn, cao hơn 8 m đang trong tư thế đứng trên mũi thuyền tuốt gươm, với hình ảnh cao lớn, dũng mãnh, kiên quyết; 1 chiến binh Tây Sơn đang trong tư thế ngồi tì gối và giương cung bắn và 1 nông dân địa phương cũng trong tư thế ngồi chèo thuyền, động tác quyết liệt.

Bố cục khá chặt chẽ, tác giả tạo được những mảng khối, đường nét vững chắc, mạnh mẽ, ngôn ngữ điêu khắc rõ ràng, do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thực hiện.

Hiện vật được trưng bày tại Phòng trưng bày số 1 của khu di tích.
Hiện vật được trưng bày tại Phòng trưng bày số 1 của Khu di tích quốc gia Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Cả nhóm tượng được đặt trên một bệ cao, là biểu tượng nhằm khẳng định vai trò, tầm vóc của trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, dưới sự chỉ huy của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã lãnh đạo đội quân Tây Sơn và nhân dân Nam bộ làm nên chiến thắng vang dội, mở ra trang sử oanh liệt trong sự nghiệp chống quân xâm lược của nhân dân miền Nam, trở thành điểm nhấn của khu di tích. Bên dưới nhóm tượng là Phòng trưng bày “Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút 20-1-1785”, trưng bày nhiều hiện vật của quân đội Tây Sơn, đặc biệt chiếc mỏ neo cao 3,39 m được phát hiện tại sông Tiền, gần Rạch Gầm và nhiều vũ khí của quân đội Tây Sơn, một số vũ khí của quân Xiêm.

Phòng trưng bày số 2 là nhà trưng bày “Cuộc kháng chiến chống Xiêm”, với số lượng hiện vật và hình ảnh khá phong phú, nhà trưng bày giới thiệu qua bản đồ các hướng tấn công xâm lược Nam bộ của quân Xiêm và diễn biến trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Phòng trưng bày số 3 là Nhà cổ Nam bộ với diện tích 255 m2, nhà gồm 3 gian chính bên trong và 4 hàng hiên (hành lang), nhằm tái hiện nét đặc sắc văn hóa Nam bộ về kiến trúc nhà ở, phục dựng một nhà cổ Nam bộ và trưng bày một số cổ vật phù hợp với kiến trúc ngôi nhà, chủ yếu là các tủ, trường kỷ, bàn ghế, hoành phi, bộ ghế… hầu hết vào đầu thế kỷ XX; một số đồ sứ, gốm chủ yếu có xuất xứ Việt Nam dùng sinh hoạt trong gia đình của thế kỷ XIX, XX. Bên cạnh đó, khu di tích còn có cầu tàu, sân kiểng và sân để tổ chức Lễ hội Rạch Gầm - Xoài Mút, cổng và tường rào cùng các khẩu thần công phục chế.

“ĐỊA CHỈ ĐỎ” GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

Cho đến nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã trở thành một điểm du lịch trong tuyến du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng của tỉnh; đồng thời, nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho các thế hệ, nhất là học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu học tập.

 Bản đồ trận Rạch Gầm - Xoài Mút.
Bản đồ trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Đến tham quan, tìm hiểu tại khu di tích, Bí thư Đoàn Trường Trung cấp nghề Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Nam cho biết: “Thông qua chuyến về nguồn tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về diễn biến của trận thủy chiến ngày đó dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo mưu trí, sáng tạo của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, nhất là nghệ thuật đánh giặc, chớp thời cơ tiến hành cuộc kháng chiến; đồng thời, được tham quan nhiều hiện vật được tìm thấy trong trận thủy chiến còn được lưu giữ, bảo tồn… Qua đó, giúp cho chúng tôi học hỏi, hiểu biết thêm về kiến thức lịch sử và tự hào về quá khứ oai hùng của ông cha ta ngày trước”.

 Nhà cổ Nam bộ nhằm tái hiện nét đặc sắc văn hóa kiến trúc nhà ở Nam bộ trong những năm của thế kỷ XIX, XX.
Nhà cổ Nam bộ nhằm tái hiện nét đặc sắc văn hóa kiến trúc nhà ở Nam bộ trong những năm của thế kỷ XIX, XX.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: “Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút nằm ven sông Tiền nên có lợi thế phát triển du lịch, thuận lợi cả phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy.

Mặt khác, khu di tích này nằm cách TP. Mỹ Tho khoảng 12 km, gần với khu du lịch miệt vườn Thới Sơn (cù lao Thới Sơn) -  từng là vị trí quân Tây Sơn đặt trận địa pháo binh và cất giấu các chiến thuyền trước khi nổ ra trận đánh. Do đó, khu di tích là điểm đến quan trọng của nhiều đoàn khách và khách tham quan khi đến Tiền Giang.

Mỗi năm, trung bình khu di tích đón từ 30.000 - 40.000 lượng khách du lịch từ nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn, các trường trong tỉnh về đây tổ chức các hoạt động về nguồn. Nhiều khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về sự kiện lịch sử quan trọng ở miền Nam; đồng thời, việc bảo vệ và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được tỉnh xác định là nhằm bảo lưu những giá trị cao quý của dân tộc, những truyền thống tốt đẹp của cha ông trong đấu tranh giữ nước cho các thế hệ mai sau học tập, kế thừa và phát huy hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, theo dự kiến trong thời gian tới, tỉnh sẽ lập đề án mở rộng thêm 1 ha để phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu”.

LÊ NGUYÊN - T.T

.
.
.