Chủ tịch nước Lương Cường: Xây dựng ngành Tòa án tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2-12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Thị Nga Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Phạm Gia Túc, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao.
Báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi làm việc, Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải giải quyết bình quân tăng khoảng 8%/năm với tính chất đa dạng, phức tạp. Hàng năm, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Kết quả các mặt công tác cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao như: Tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường xây dựng và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, đã nghiên cứu, xây dựng, trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh. Đặc biệt, đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Ngành Tòa án cũng chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới, đa dạng phương thức đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, đối thoại trực tuyến giữa Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán Tòa án các cấp. Công tác bổ nhiệm Thẩm phán, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp được thực hiện nghiêm túc. Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc có tiến bộ, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hàng năm đều đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra (dưới 1,5%).
Việc xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính, bảo đảm khách quan, đúng pháp luật; chú trọng công tác hòa giải,… Tòa án nhân dân tối cao và các cấp cũng chú trọng mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm,…
Thời gian tới, ngành Tòa án tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; coi trọng công tác tổ chức cán bộ; tăng cường xây dựng thể chế; nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra; công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các bộ, ban ngành, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, bên cạnh rất nhiều thuận lợi ngành Tòa án cũng gặp không ít khó khăn nhưng toàn ngành đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, đoàn kết nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chức trách theo quy định, không bỏ sót, thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm.
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề nghị ngành Tòa án khắc phục nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp. Chủ tịch nước Lương Cường |
Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp. Ngành Tòa án cũng cần bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ; giữ gìn, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch sử dụng tốt đội ngũ hiện có, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; quan tâm chính sách đối với đội ngũ cán bộ của ngành. Chủ tịch nước nhấn mạnh chất lượng xét xử thế nào phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành Tòa án.
Chủ tịch nước cũng cho rằng ngành Tòa án cần tiếp tục làm tốt hơn công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành như: Ban Nội chính Trung ương, ngành Kiểm sát, Công an,… trên cơ sở tuân thủ tốt các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Thực hiện phát huy nội lực nhưng ngành Tòa án cũng cần làm tốt công tác hợp tác quốc tế, tiếp thu, học tập những điểm tốt, mới, phù hợp của nền tư pháp quốc tế.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Tòa án theo chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình tiếp tục rà soát tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Chủ tịch nước thăm Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân. |
Cũng tại buổi làm việc Chủ tịch nước đã giải đáp, cho ý kiến đối với một số đề xuất, kiến nghị của Tòa án nhân dân tối cao; đề nghị ngành Tòa án rà soát công tác cán bộ, cải thiện điều kiện làm việc; rà soát lại một số đề án bảo đảm hiệu quả, thiết thực; nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các luật liên quan các hoạt động của ngành cho phù hợp, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch nước tin tưởng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng, ngành Tòa án sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình, phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trước buổi làm việc, Chủ tịch nước đã thăm Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Toà án nhân dân. Đây được coi là “bộ não số” của Tòa án giúp cho việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động của toà án được nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả; đồng thời cũng là bước đi đột phá trong việc hiện thực hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số và trong triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp và là bước quan trọng trong việc thực hiện cam kết quốc tế về xây dựng Tòa án điện tử, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Theo nhandan.vn