.

Hoạt động ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất, hiệu quả, bài bản

Cập nhật: 21:27, 20/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Chiều tối ngày 20-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá tăng trưởng.

Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, thời gian qua, hoạt động ngoại giao kinh tế đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, trong năm 2024, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất.

Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp, nước ta đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông. Các kết quả hoạt động đối ngoại cấp cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư.

Nước ta đã chủ động thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp; góp phần hỗ trợ quá trình chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo các động lực cho tăng trưởng bứt phá.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao bản dẫn, đổi mới sáng tạo.

Hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đối tác. Qua đó đã tích cực thúc đẩy ký kết các FTA mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17.

Hoạt động ngoại giao kinh tế đã phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước.

Nước ta đã tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược; tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Bên cạnh đó, công tác ngoại giao kinh tế còn những tồn tại, hạn chế. Đó là chưa tận dụng được hiệu quả và đầy đủ nhất kết quả của việc nâng tầm, nâng cấp với các đối tác thời gian qua để tạo đột phá trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài cũng như xử lý các dự án còn tồn đọng, vướng mắc.

Việc triển khai các cam kết, thoả thuận quốc tế có lúc, có nơi còn chậm. Việc thúc đẩy các cam kết, thoả thuận thành những kết quả, dự án, chương trình hợp tác cụ thể “đo đếm được” cần được triển khai quyết liệt hơn nữa; chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, điểm nghẽn. Việc hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp đã báo cáo về kết quả, những thuận lợi, khó khăn trong công tác ngoại giao kinh tế; đồng thời, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy, tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác ngoại giao kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị rất sát với tình hình thực tế, thể hiện trí tuệ, tầm nhìn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương.

Trong ngoại giao kinh tế, tư duy và cách tiếp cận của các cơ quan đã đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Nhiều thị trường mới đã được khám phá, khai thác được, nhất là khu vực Trung Đông, Nam Mỹ…

Ngoại giao kinh tế đã được thể chế hóa, hệ thống hóa bài bản hơn, có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương. Hoạt động ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất, hiệu quả, bài bản, cân đong, đo đếm hiệu quả hơn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu không được chủ quan, bởi nhiều cái chưa làm được, nhất là đánh giá thị trường, đối tác; chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm và sự linh hoạt, thích ứng. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá có nơi, có lúc chưa hiệu quả, còn hình thức… cần phải khắc phục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới, hoạt động ngoại giao kinh tế phải bám sát nhu cầu trong nước và ngoài nước, điều kiện thực tế để triển khai phù hợp, hiệu quả, toàn diện, sâu sắc. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đại diện, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác thường xuyên; phải có tinh thần yêu nghề, yêu nước, tâm huyết trách nhiệm. Đối với các đối tác phải thể hiện sự chân thành, tin cậy…

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải thúc đẩy ký kết được các khung khổ pháp lý về hợp tác đầu tư; tập trung tháo gỡ khung khổ pháp lý để mở rộng thị trường.

Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các đối tác, từ đó có giải pháp đề xuất; đa dạng hóa các loại visa. Trong ngoại giao kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng, thứ nhất là xuất khẩu, kế đến là đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư cần thực chất hơn, hiệu quả hơn, đi thẳng vào vấn đề...

T. ĐẠT

.
.
.