Âm vang Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút
240 năm trôi qua, thắng lợi của trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 vẫn còn vang vọng, in đậm dấu ấn trong trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, cùng với tài thao lược, mưu trí trong nghệ thuật quân sự, tổ chức kháng chiến của Anh hùng Nguyễn Huệ - Vua Quang Trung đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của quân Xiêm trên đất nước ta.
SÁNG TẠO TRONG NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ
Vào thế kỷ XVIII, các tập đoàn phong kiến cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đua nhau bóc lột nhân dân, xã hội rối loạn, mâu thuẫn giai cấp phát triển gay gắt, dẫn đến sự bùng nổ các phong trào khởi nghĩa nông dân.
Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút không chỉ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, mà còn là địa chỉ tham quan của nhiều du khách khi đến Tiền Giang. Ảnh: D.H |
Lúc bấy giờ, làn sóng khởi nghĩa nông dân dâng cao khắp Đàng Ngoài, rồi lan vào Đàng Trong mà đỉnh cao là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771 đã nhanh chóng biến thành cuộc cách mạng nông dân có quy mô ngày càng rộng lớn, giành được nhiều thắng lợi quan trọng trước mọi cuộc đàn áp, phản công của tập đoàn phong kiến.
Năm 1784, nhân cớ nhận được sự cầu viện của Nguyễn Phúc Ánh, Vua Xiêm sai hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân theo đường thủy và đường bộ tiến vào Gia Định. Để bảo đảm chắc thắng, Vua Xiêm còn phái hai tướng Lục Côn và Sa Uyển vừa hành quân vừa tuyển mộ thêm lính.
Số tàn quân của Nguyễn Ánh cũng theo gót chân quân Xiêm trở về với âm mưu xâm lược nước ta. Cuối năm 1784, Bộ chỉ huy tối cao của Tây Sơn chỉ đạo Nguyễn Huệ làm Tổng Chỉ huy lực lượng Tây Sơn ở Gia Định, nhận trọng trách tổ chức cuộc phản công chiến lược, quét sạch quân Xiêm - Nguyễn.
Với những giá trị lịch sử đặc biệt, nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785 - 20-1-2005), tỉnh Tiền Giang cho xây dựng Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) với 3 hạng mục chính gồm: Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và phòng trưng bày; Nhà trưng bày “Cuộc kháng chiến chống quân quân Xiêm”; Nhà cổ Nam bộ. Đến năm 2014, Di tích lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2408 ngày 31-12-2014. |
Nắm bắt được tình hình thực tế, với tài thao lược, mưu trí trong chỉ đạo tác chiến, Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo quân vượt biển, tiến vào Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) thăm dò, tổ chức cầm cự chặn giặc, nắm tình hình, chờ thời cơ phản công. Sau đó, Nguyễn Huệ quyết định chọn hình thức mai phục, tiến công địch; chọn khúc sông Tiền từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7 km.
Đây là một khúc sông rộng nhất, có chỗ rộng gần 1 km, giữa sông phía Xoài Mút có cù lao Thới Sơn án ở giữa, hoang vắng, cây cối rậm rạp, rất tiện cho việc giấu quân mai phục. Lúc này, bộ binh và pháo binh Tây Sơn bố trí sẵn tại đây có thể tập kích mãnh liệt vào hai bên sườn đội hình địch.
Trận đồ mai phục và bao vây khép kín, bao gồm sự hợp đồng chặt chẽ của bộ binh, pháo binh và thủy binh Tây Sơn như vậy sẽ đảm bảo sự thắng lợi.
Đêm 19 rạng ngày 20-1-1785, khi đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ ra lệnh công kích. Thủy binh của Tây Sơn từ Rạch Gầm và Xoài Mút bất ngờ lao ra chặn đầu và khóa đuôi, dồn toàn bộ thuyền chiến của địch vào vòng vây.
Pháo binh của nghĩa quân Tây Sơn từ trên bờ và cù lao bắn mãnh liệt vào đội hình quân giặc. Ngay từ phút giao tranh đầu tiên, hỏa lực Tây Sơn đã ở thế áp đảo và quân địch đã bị dồn vào thế bị bao vây tấn công hiểm nghèo nhất, Nguyễn Huệ trực tiếp đốc chiến và ra lệnh đánh đến cùng.
Sự tấn công dồn dập của đội quân Tây Sơn đã làm cho đội hình thuyền chiến của liên quân Xiêm - Nguyễn bị rối loạn, quân lính bị thương vong nhiều. Kết quả, đã tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, hơn 300 chiến thuyền Xiêm bị nhấn chìm.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 ngày, dưới sự chỉ huy cực kỳ tài giỏi của Nguyễn Huệ, quân đội Tây Sơn đã đập tan âm mưu xâm lược của quân Xiêm và tập đoàn Nguyễn Ánh bằng chiến thắng trong trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút.
Điều đó cho thấy, tài thao lược, mưu trí, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, về sự phối hợp các binh chủng trong một trận quyết chiến chiến lược, mà nòng cốt là lực lượng thủy binh; đồng thời, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là bước ngoặt trọng đại cho toàn bộ quá trình phát triển mới của phong trào Tây Sơn.
CUỘC ĐẤU TRANH DO GIAI CẤP NÔNG DÂN ĐẢM NHIỆM
Có thể nói, cùng với trận đại phá quân Nam Hán năm 938, trận tiêu diệt quân Nguyên Mông năm 1228 trên sông Bạch Đằng thì Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là 1 trong 3 trận thủy chiến kiệt xuất nhất của lịch sử dân tộc.
Ảnh: V.P |
Bởi lẽ, tầm vóc đặc biệt của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút không phải chỉ là tốc độ và tỷ lệ tiêu diệt đối phương, mà còn là trận quyết chiến chiến lược duy nhất, Tây Sơn đã đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lăng của quân Xiêm. Các sử thần triều Nguyễn đã thừa nhận “Người Xiêm từ sau cuộc bại trận năm Giáp Thìn, miệng tuy nói khoác mà lòng thì sợ Tây Sơn như cọp”.
Trao đổi về giá trị lịch sử của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang nhận định: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút mang tính chất phục kích và thủy chiến; trong chiến dịch Rạch Gầm - Xoài Mút, thủy quân Tây Sơn thực hiện thế bao vây bằng cách chặn đầu ở rạch Xoài Mút, khóa đuôi ở Rạch Gầm và kiểm soát chặt các cù lao Thới Sơn, Phú Túc để ngăn địch tháo chạy qua ngã Bến Tre.
Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử nước ta. Lần đầu tiên, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ đã đánh bại sự xâm lược hung hãn của quân Xiêm và trừng trị đích đáng hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh, giữ vững nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ, tạo điều kiện để vùng đất này sớm trở thành vựa lúa lớn nhất của đất nước.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc kháng chiến chống ngoại xâm do giai cấp nông dân đảm nhiệm; đánh dấu một bước ngoặt cơ bản, một sự chuyển biến về chất của phong trào nông dân Tây Sơn, từ cuộc đấu tranh giai cấp đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử vẻ vang đi đầu trong cuộc đấu tranh dân tộc. Do đó, trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, là một trong những chiến công lẫy lừng của nhân dân ta, sánh cùng với Chiến thắng Bạch Đằng, Hàm Tử, Chi Lăng, Ngọc Hồi - Đống Đa… oanh liệt.
Phát huy hào khí Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, quân và dân tỉnh Tiền Giang đã tiếp tục giành được những thắng lợi vang dội trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chính vùng đất này, năm 1940, khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra vang dội, lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện tại đình Long Hưng - biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của nhân dân chống thực dân Pháp tung bay phấp phới; cũng chính vùng đất này, quân và dân ta trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, từng bước đẩy lùi, đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm của quân đội Mỹ và tay sai, giành độc lập dân tộc, thống nhất quê hương.
240 năm trôi qua, hào khí Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị lịch sử cho đến hôm nay. Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang cùng đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đưa tỉnh nhà tiến tới phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng với cả nước hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
LÊ NGUYÊN - T.T