.

Phó Thủ tướng: Bộ Nội vụ tinh gọn bộ máy tránh để người tài xin nghỉ, người dở ở lại

Cập nhật: 22:55, 21/12/2024 (GMT+7)

Dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình lưu ý Bộ Nội vụ sắp xếp làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”, giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công.

Sáng 21-12, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong thành công lớn của đất nước có sự đóng góp hiệu quả, tích cực của Bộ, ngành Nội vụ.

Khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Tôi được Thủ tướng giao trực tiếp chỉ đạo Bộ Nội vụ, những tháng vừa qua lăn lộn với các đồng chí, tôi cảm nhận các đồng chí đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, cái gì cũng cấp bách, dồn dập, tính chất nhạy cảm và phức tạp”.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề chính sách liên quan đến từng người lao động, từng cán bộ, viên chức, chạm đến nhiều người nên công việc hết sức nhạy cảm, khó khăn; làm tốt chưa chắc được khen, vì người ta cho đó là bổn phận, nhưng làm sơ sẩy là có vấn đề.

a
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Văn Điệp

Phó Thủ tướng ghi nhận, trong khó khăn đó, kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Thành công của Bộ Nội vụ cũng là thành công của Chính phủ.

Điểm lại các kết quả nổi bật của ngành Nội vụ trong năm, Phó Thủ tướng nói: "Có những lúc đồng chí Bộ trưởng đưa cho tôi báo cáo khi hết giờ rồi nhưng yêu cầu đặt ra là sáng mai phải có để trình Quốc hội. Anh em văn phòng phải làm cật lực suốt đêm để ngày mai tôi ký, kịp báo cáo Quốc hội; công việc rất dồn dập, rất khẩn trương”.

Qua đó, thấy được tinh thần trách nhiệm rất cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tuân thủ các chỉ đạo, định hướng nhất là trong việc tinh gọn bộ máy của Bộ Nội vụ.

“Tôi cùng tập thể lãnh đạo bộ, các bộ phận tham mưu họp nhiều cuộc về chế độ chính sách. Hôm nay chúng tôi phải “nộp bài” cho Bộ Chính trị thông qua về chế độ chính sách khi sắp xếp bộ máy. Anh em rất nỗ lực. Không biết là ngày mai Bộ Chính trị thông qua như thế nào, về mặt cá nhân tôi thấy rất yên tâm”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, đợt sắp xếp bộ máy lần này, số người bị ảnh hưởng có lẽ là đông nhất, khoảng 100.000 người, nhưng chúng ta cũng mạnh dạn bỏ ra một nguồn lực đáng kể với một chính sách. Nếu đề xuất của Bộ Nội vụ được chấp nhận thì đây là chính sách đặc thù vượt trội, hết sức mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, ông yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục suy nghĩ làm sao thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ được người tài; đánh giá cán bộ cho đúng để sử dụng cho đúng.

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu trong việc này nên phải làm sao thực hiện như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là “phải loại bỏ người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài vào trong nền hành chính công”. 

“Đây là mong muốn, gửi gắm, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nên chăng cần suy nghĩ tới cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Bởi vì bộ máy có khoa học bao nhiêu, tinh gọn bao nhiêu, có hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy là do con người quyết định”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng dẫn ví dụ để phân tích: Hai vụ, hai phòng nhập lại, nếu 2 trưởng dở thì vụ, phòng sẽ dở; còn 1 anh dở 1 anh giỏi nhập lại nếu để anh dở làm lãnh đạo thì hỏng luôn cả 2. “Vậy nên việc đánh giá, sử dụng đúng cán bộ, Đảng, Nhà nước và nhân dân trông chờ có điều gì đó đột phá”, ông nói.

Vì vậy chọn người tài, thu hút người tài, sử dụng được người tài phải theo đúng tinh thần “cán bộ nào cơ quan đó; chất lượng cán bộ, công chức mới quyết định hiệu quả của Chính phủ, tổ chức bộ máy nhà nước”.

Người lãnh đạo giỏi là biết xông lên và biết phòng ngừa rủi ro

Về nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng lưu ý việc đầu tiên liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống; Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu, đặc biệt quan trọng nhưng trách nhiệm trong việc này là của tất cả bộ ngành, địa phương chứ không chỉ đặt trên vai Bộ Nội vụ.

Theo Phó Thủ tướng, dư luận quan tâm bộ nọ hợp nhất bộ kia nhưng có việc đặc biệt quan trọng là tất cả bộ, địa phương cũng phải tinh gọn tổ chức bên trong của mình để giảm tối thiểu 15% – 20% đầu mối. Cá biệt có những đơn vị Chính phủ yêu cầu phải tinh gọn đến 40%. 

“Ví dụ như các Vụ nghiên cứu Bắc Âu, Đông Âu, Châu Á, Châu Mỹ thì làm luôn thành một Vụ nghiên cứu về quốc tế. Hay như các Viện Nghiên cứu chiến lược, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế cũng cần sắp xếp”, ông dẫn chứng.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương chủ động trong việc đề xuất phương án gọn bên trong của mình.

a
Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 tại Bộ Nội vụ sáng nay. Ảnh: Văn Điệp

Riêng với Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm ra mô hình bộ máy tinh gọn, hiệu quả; hợp nhất của Trung ương là cơ sở của địa phương. Đồng thời, hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người lao động nghỉ sớm. Cùng với đó là phải hình thành một hạ tầng pháp lý cho bộ máy mới hoạt động. 

“Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, thậm chí cho Bộ Chính trị, phải làm các nhiệm vụ này nhanh, khẩn trương nhưng rất khoa học. Chúng ta đổi mới sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng phải rất bình tĩnh để đề phòng các rủi ro, quản trị rủi ro. Người lãnh đạo giỏi là người lãnh đạo biết xông lên và phòng ngừa các rủi ro, hệ lụy”, Phó Thủ tướng phân tích.

Theo Phó Thủ tướng, rủi ro đã được chỉ ra là tránh nhập cơ học, nhập nhưng có chỗ không hợp lý thì phải đề phòng, lường xem những bất hợp lý của việc hợp nhất. 

“Đây là việc rất khó, cần hạn chế tối đa các rủi ro; vừa làm vừa thăm dò, điều chỉnh không thể ngay một lúc hoàn thành nhưng rủi ro phải thấp nhất”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Rủi ro khác được Phó Thủ tướng chỉ ra như lời Tổng Bí thư là “không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của người lười biếng”. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần lưu ý sắp xếp làm sao tránh để “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”. Làm sao kết hợp cung cầu, nhưng lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh.

“Đây là bài toán khó nhưng cố gắng làm chứ đừng để người giỏi đi hết, dở ở lại là không thành công”, Phó Thủ tướng căn dặn.

Ông cũng lưu ý các địa phương, bộ ngành làm sao khi sắp xếp, bộ máy vận hành liên tục, phục vụ nhân dân đảm bảo không đứt quãng. Làm khẩn trương nhưng phải động viên anh em nhìn thấy chỗ nào đang ngồi chờ thì nhắc nhở. Cố gắng cao nhất không phát sinh tiêu cực. 

Về xây dựng thể chế, Phó Thủ tướng cho biết, để bộ máy mới hoạt động phải có hạ tầng pháp lý tốt. Hiện nay Chính phủ đang sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và các văn bản liên quan.

“Một núi việc khổng lồ cho Bộ Nội vụ. Nhưng không phải chỉ hình thành thể chế cho bộ máy sáp nhập mà phải là hệ thống thể chế tạo nền tảng cho sự bứt phá, chuyển mình, tăng trưởng trong tương lai. Đặc biệt là khắc phục những bất cập đang tồn tại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý việc hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Nội vụ phải chuẩn bị hình thành bộ mới trong tâm thế sẵn sàng. 

“Sẵn sàng sau hợp nhất đảm nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm sao bộ mới quyết tâm, đoàn kết như hiện nay”, Phó Thủ tướng căn dặn và bày tỏ tin tưởng Bộ Nội vụ và toàn ngành sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, góp phần tích cực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà hứa sẽ cùng toàn ngành nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao. Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu và cụ thể hóa các chỉ đạo sâu sắc của Phó Thủ tướng.

Theo vietnamnet.vn
 

 

.
.
.