Thứ Hai, 30/12/2024, 10:42 (GMT+7)
.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 240 NĂM CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT (20-1-1785 - 20-1-2025)

Khai thác giá trị di tích lịch sử gắn liền với phát triển du lịch

Để quản lý, bảo tồn giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, đặc biệt là Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút cùng hướng đến phát triển du lịch địa phương, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung lập kế hoạch đầu tư, quy hoạch và bảo quản, phục hồi nhằm phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

GÌN GIỮ GIÁ TRỊ

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL), Tiền Giang hiện có 185 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; trong đó, có 3 Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích Địa điểm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích Địa điểm Chiến thắng Ấp Bắc, Di tích lịch sử Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định) và 17 di tích quốc gia gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc.

Đó không chỉ là niềm tự hào của tỉnh nhà, mà đây còn được xem là tiềm năng, thế mạnh để có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.

Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015.
Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015.

Thời gian qua, các khu di tích, văn hóa lịch sử được đưa vào khai thác, trở thành những điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước theo khuôn khổ các tour du lịch sinh thái miệt vườn, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững của tỉnh gắn với giáo dục truyền thống cách mạng địa phương. Tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển du lịch gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, cần phải bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức được tình hình đó, nhằm thực hiện tốt quy định pháp luật về di sản văn hóa, việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là Di tích quốc gia đặc biệt trên bàn tỉnh Tiền Giang là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý, cho công tác quản lý, khai thác, bảo quản, tu bổ và phát huy hiệu quả giá trị di tích.

Theo đó, lãnh đạo Sở VH-TT&DL nhận định, đây là bước cần thiết để tỉnh Tiền Giang có thể tranh thủ nguồn vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh đầu tư tu bổ, phát huy giá trị đối với các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, góp phần hỗ trợ ngân sách địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Tiền Giang, ngày 5-4-2017 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt tại Công văn 4856 ngày 7-8-2024 về chủ trương lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt của tỉnh Tiền Giang theo đề xuất của Sở VH-TT&DL tại Công văn 1542 ngày 1-8-2024. Trong đó, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là 1 trong 3 Di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Tiền Giang được quy hoạch trong thời gian tới.

NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ MỞ RỘNG DI TÍCH

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, cần phải có sự đầu tư đúng mức các công trình phục vụ cho việc tổ chức và quản lý các hoạt động sinh hoạt văn hóa, du lịch; sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành có liên quan trong định hướng phát triển về kinh tế, văn hóa, nhằm tôn vinh các thế hệ cha ông đã anh dũng đấu tranh chống quân xâm lược vì sự nghiệp đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Học sinh tham quan, tìm hiểu chiếc mỏ neo của một chiếc tàu chiến của quân Xiêm trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút 240 năm trước. Ảnh: THU HOÀI
Học sinh tham quan, tìm hiểu chiếc mỏ neo của một chiếc tàu chiến của quân Xiêm trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút 240 năm trước. Ảnh: THU HOÀI

Đặc biệt, nơi đây còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, về cội nguồn của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước cần học tập, nghiên cứu và noi theo các thế hệ đi trước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích hơn 1 ha, nhằm chống xuống cấp, tôn tạo Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (giai đoạn 1), gồm: Xây dựng cổng, hàng rào, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, cây xanh, sân đường (cải tạo sân lễ, đường nội bộ, đường nhựa dẫn vào công trình) và hạ tầng kỹ thuật (san nền, cấp điện, cấp thoát nước..).

Vào các dịp kỷ niệm hằng năm sự kiện này, các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang, mà trực tiếp là ngành VH-TT&DL đã tổ chức các hoạt động quảng bá, lễ hội thu hút đông đảo nhân dân tham gia, được trình chiếu trong nhiều chương trình truyền hình nhằm quảng bá hình ảnh của đội quân Tây Sơn trong chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút đã được công chúng, đặc biệt là giới trẻ quan tâm, theo dõi và tham gia.

Nhân kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785 - 20-1-2025), tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm với các hoạt động đa dạng, phong phú: Lễ viếng, đặt tràng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; triển lãm hình ảnh; tái hiện không gian “Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút” qua tư liệu, hiện vật… nhằm tri ân các bậc tiền hiền, tiền nhân đã có công với đất nước, góp phần giáo dục lòng yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

 

Đồng thời, tỉnh tập trung khai thác và phát huy các giá trị, thế mạnh của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút để phục vụ nhu cầu tham quan, về nguồn, giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch, kết nối với các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, không chỉ góp phần tạo sự chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các thuyết minh, hướng dẫn viên để phục vụ tốt việc tìm hiểu, tham quan, học tập của nhân dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các giá trị của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Song song đó, tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi, đường đi đến khu di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch; trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với di tích lịch sử, văn hóa…, tạo thuận lợi nhất cho du khách trong, ngoài nước đến tham quan tại Tiền Giang cũng như liên kết với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.

LÊ NGUYÊN

.
.
.