.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 240 NĂM CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT (20-1-1785 - 20-1-2025)

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Cập nhật: 10:05, 27/12/2024 (GMT+7)

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 là một trong những trận thủy chiến mang lại chiến thắng vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Với ý nghĩa đó, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút luôn được các thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh tự hào, khắc ghi và nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

GIÁO DỤC LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG

Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong công tác giảng dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam trong xu thế phát triển của thời đại.

 Chuyến tham quan về nguồn của các em học sinh Trường Tiểu học Tân Tỉnh, TP. Mỹ Tho tại khu Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.                                                                                          Nguồn: Trường Tiểu học Tân Tỉnh cung cấp
Chuyến tham quan về nguồn của các em học sinh Trường Tiểu học Tân Tỉnh, TP. Mỹ Tho tại khu Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Nguồn: Trường Tiểu học Tân Tỉnh cung cấp

Đồng thời, được sự quan tâm của các cấp, các ngành chuyên trách, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã làm tốt công tác biên soạn, từng bước đưa tài liệu giáo dục địa phương tỉnh vào giảng dạy tại các lớp, bậc học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Trong chương trình tài liệu giáo dục địa phương, học sinh tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá những vẻ đẹp, những vấn đề về kinh tế, lịch sử, văn hóa… của địa phương, tạo điều kiện để học sinh hình thành năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội…

Đặc biệt, trong tài liệu Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Tiền Giang, xuyên suốt quá trình học tập, học sinh ở các cấp học được giáo viên giảng dạy về những cột mốc chiến thắng đáng tự hào của nhân dân trong tỉnh như: Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Chiến thắng Ấp Bắc và giới thiệu những địa điểm “địa chỉ đỏ” như: Lăng Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân… giúp cho các thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh tự hào, khắc ghi và nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu trong học tập, góp phần xây dựng, phát triển quê hương.

Trao đổi với chúng tôi về nội dung tiết học trong chương trình giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa và Giáo dục công dân, Trường Trung học cơ sở Bình Ninh (huyện Chợ Gạo) cho biết, trong chương trình giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương, giáo viên bám sát yêu cầu cần đạt của chủ đề, dựa vào nội dung biên soạn trong chủ đề để tổ chức các hoạt động dạy học hình thành những kiến thức cơ bản, cũng như phát triển năng lực và bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh; sử dụng nhiều tư liệu, hình ảnh và hệ thống các câu hỏi để học sinh làm việc với tư liệu và giáo viên có nhiệm vụ định hướng để học sinh chủ động khai thác nội dung trong tài liệu; đồng thời, kết hợp với việc trình chiếu một số đoạn video, phim tài liệu có liên quan đến nội dung bài học để tăng tính hấp dẫn, dễ tiếp thu cho học sinh trong từng tiết học.

Cụ thể, trong Chương trình giảng dạy giáo dục lịch sử địa phương khối 8, chủ đề 2: Tiền Giang từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, giáo viên hướng dẫn học sinh tường thuật diễn biến Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Trong tiết giảng, giáo viên đặt câu hỏi gợi mở, dành nhiều thời gian phân tích đời sống xã hội ở Tiền Giang có thay đổi trong thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX; những đóng góp của nhân dân Tiền Giang trong chiến thắng này, nhân dân Tiền Giang đã tích cực gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Tây Sơn, giữ bí mật trận địa đến phút cuối, hướng dẫn Nguyễn Huệ đi khảo sát địa bàn, cung cấp những chi tiết về tình hình khí tượng thủy văn ở địa phương, thành công xây dựng trận địa mai phục và cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng cần thiết như dầu mù u, vỏ dừa khô để phục vụ lối đánh hỏa công… là một trong những yếu tố làm nên Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, làm thất bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của quân Xiêm.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, thầy Chung Phước Trực, Tổ trưởng Bộ môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Chợ Gạo chia sẻ: “Một trong những phương pháp làm tăng sự sinh động, lôi cuốn học sinh, không để học sinh bị động trong từng tiết giảng, tôi áp dụng phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm; sử dụng tranh ảnh, video vào trong các tiết học; khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, phân tích nội dung, vấn đề được giáo viên gợi mở thông qua hoạt động nhóm, từ đó học sinh sẽ thuyết trình, trình bày nội dung đã được gợi mở.

Thông qua đó, nội dung bài học lịch sử đi vào trong tâm trí các em một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, tăng hứng thú trong học tập… Đồng thời, bên cạnh việc giảng dạy lịch sử theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào giáo trình môn học Lịch sử địa phương, giáo viên nhà trường tập trung xây dựng giáo án, giảng dạy học sinh theo từng lĩnh vực, mạch kiến thức phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Qua đó, trang bị kiến thức cho các em về lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; di tích lịch sử, nhân vật lịch sử; phong tục, tập quán, văn học nghệ thuật dân gian địa phương; nghề truyền thống địa phương; địa lý, dân cư; cảnh quan, môi trường; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội địa phương…”.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, đội ngũ giáo viên còn được hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về công tác giảng dạy môn Lịch sử. Đồng thời, tại các trường học xây dựng các hoạt động gắn với các chủ điểm lịch sử nhằm giáo dục cho học sinh về truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

TỔ CHỨC VỀ “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

Việc giáo dục giá trị di tích lịch sử, văn hóa Tiền Giang từ các hoạt động trải nghiệm thực tiễn không những phát huy giá trị di sản, khơi dậy, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ, mà còn làm tăng sự hiệu quả cho hoạt động giáo dục, định hướng lý tưởng cho học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

 Giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thảo luận trong tiết học giáo dục lịch sử địa phương tại Trường Trung học cơ sở Bình Ninh, huyện Chợ Gạo.
Giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thảo luận trong tiết học giáo dục lịch sử địa phương tại Trường Trung học cơ sở Bình Ninh, huyện Chợ Gạo.

Thông qua các chuyến đi về nguồn, thầy Nguyễn Văn Vũ, Tổ trưởng Tổ chuyên môn 4 - 5, Trường Tiểu học Tân Tỉnh (TP. Mỹ Tho) cho biết, thông qua việc truyền đạt kiến thức cho học sinh trên lớp, nhà trường còn tạo điều kiện, tổ chức các chuyến đi về nguồn để học sinh tham quan tại Bảo tàng tỉnh, các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Được nghe những lời thuyết minh từ thuyết minh viên kết hợp với những kiến thức đã được học trên lớp, học sinh sẽ hiểu hơn, ghi nhớ hơn về những trận đánh lớn của thế hệ cha ông ta. Lịch sử nay đã sang trang mới, nhưng hình ảnh các vị anh hùng anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc mãi khắc ghi trong trang sử hào hùng, vẻ vang của nhân dân trên địa bàn tỉnh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh.

Vì vậy, giáo dục trải nghiệm về nguồn tại các di tích lịch sử, văn hóa là một cách tiếp cận sát thực tế, để học sinh tự lĩnh hội kiến thức, phát triển toàn diện nhân cách. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lại lâu bền, sâu sắc hơn.

LÊ NGUYÊN - T.T

.
.
.