.

Tiền Giang: Sắp xếp bộ máy đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai và hiệu quả

Cập nhật: 15:40, 25/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 25-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thưTỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện các cơ quan Trung ương cũng đã đến dự hội nghị.

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 18

Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tiền Giang đã giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã, 1 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 4 cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, 103 cấp phòng trực thuộc cấp sở, 33 cấp phòng thuộc chi cục, 82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện; giảm 594 biên chế công chức, 2.388 biên chế viên chức.

Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gợi ý nội dung trọng tâm hội nghị cần tập trung thảo luận
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy gợi ý nội dung trọng tâm hội nghị cần tập trung thảo luận.

Theo đánh giá, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy đã mang lại kết quả tích cực, sau sắp xếp đã giảm các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; tinh gọn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị; giải thể những tổ chức hoạt động không còn phù hợp; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu.

Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang xây dựng dự thảo đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp thắc mắc của đại biểu.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp thắc mắc của đại biểu liên quan đến việc tổ chức xắp xếp bộ máy. Theo đó, quan điểm của tỉnh Tiền Giang là không để thiệt thòi cho cán bộ, viên chức dôi dư do tinh giản biên chế.

SẼ GIẢM 7 CƠ QUAN CẤP SỞ

Theo đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự kiến sẽ có 12 cơ quan, đơn vị cấp sở, 1 đảng bộ cấp trên cơ sở, 7 Đảng đoàn, 3 Ban Cán sự đảng, 77 đơn vị cấp phòng trực thuộc cấp ủy, UBND cấp huyện bị tác động trực tiếp khi thực hiện xắp xếp bộ máy chính trị lần này. Sau sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy sẽ giảm 7 cơ quan cấp sở gồm 2 đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy, 5 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; giảm 52 đơn vị cấp phòng gồm có 22 đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện, 16 trực thuộc UBND cấp huyện và 14 đơn vị trực thuộc sở; giảm 10 Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông qua dự thảo đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông qua dự thảo đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cụ thể, theo đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang thì đối với cơ quan Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang dự kiến sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; kết thúc hoạt động Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy; thành lập Đảng bộ cơ quan Đảng, Tư pháp và Đảng bộ khối chính quyền cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy.

Đồng thời, kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cùng với Đảng đoàn các cơ quan HĐND tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật; Ban Cán sự đảng các cơ quan UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.

 
 
Đại biểu tập trung nghiên cứu dự thảo Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông qua dự thảo đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đại biểu tập trung nghiên cứu và góp ý dự thảo Đề án tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đối với cơ quan nhà nước, dự kiến sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính với dự kiến tên gọi là Sở Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính; sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với dự kiến tên gọi là Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường; sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ với dự kiến tên gọi là Sở Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Sở Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin; sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng với dự kiến tên gọi là Sở Hạ tầng và Đô thị hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng dự kiến kết thúc hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự kiến chuyển sang Sở Nội vụ các chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương, việc làm, người có công cùng với an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội và bình đẳng giới; chuyển sang Sở Giáo dục và Đào tạo chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp; chuyển sang Sở Y tế chức năng, nhiệm vụ về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Danh cho biết, nguyên tắc của việc sắp xếp phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Nói về quan điểm của việc sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ tại địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: “Chúng ta phải kịp thời đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định xã hội; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo sai phạm, tiêu cực trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để tham nhũng, tiêu cực”.

THỦY HÀ

.
.
.