Thứ Sáu, 06/12/2024, 09:31 (GMT+7)
.
KỲ HỌP LẦN THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV:

Khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy "tinh, gọn, mạnh"

Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (QH) đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Tại kỳ họp này, QH đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang dự Kỳ họp lần thứ 8 của QH.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang dự Kỳ họp lần thứ 8 của QH.

Trong đó, QH đã dành 2 ngày tiến hành chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về các lĩnh vực: Ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Các vấn đề chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân và các đại biểu QH (ĐBQH) quan tâm.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ. Các ĐBQH đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng. Các đồng chí trưởng các bộ, ngành được chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không né tránh, trả lời rõ nhiều vấn đề ĐBQH nêu. QH đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8.

Với không khí làm việc sôi nổi, dân chủ và đoàn kết, QH đã biểu quyết thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Cụ thể, QH đã biểu quyết thông qua 18 luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Dữ liệu; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

QH cũng đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó, có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đồng thời, QH cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.

Tại kỳ họp này, QH cũng đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều tờ trình, đề án về các vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, phát huy tối đa các nguồn lực, cơ hội phát triển như: Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương; quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận...

 

Đồng thời, QH đã xem xét báo cáo và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”; thảo luận báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số báo cáo quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, QH cũng đã thực hiện công tác nhân sự chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. QH đã tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời, tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các ĐBQH.

ĐOÀN ĐBQH TIỀN GIANG ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN TẠI KỲ HỌP THỨ 8

Tại Kỳ họp thứ 8, các ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham gia phát biểu đóng góp ý kiến tại hội trường và tại tổ đối với nhiều nội dung quan trọng trình ra tại kỳ họp. Cụ thể là thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết 94/2015 của QH; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện Dự án Nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Bước sang năm 2025, năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021 - 2026; trên tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII, trong đó có yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới; nội dung phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp cũng như những chỉ đạo của Tổng Bí thư gần đây về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Văn phòng QH, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Các ĐBQH tỉnh Tiền Giang còn tham gia góp nhiều ý kiến đối với Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND…

Các ĐBQH trong Đoàn cũng đã chất vấn trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; giải pháp để tháo gỡ, thu hút nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông…

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia xem xét, thông qua 18 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; đồng thời, các ĐBQH tỉnh cũng đã tham gia các vấn đề về công tác nhân sự theo chương trình của Kỳ họp thứ 8 và tích cực thảo luận các nội dung quan trọng khác…

NHÂN NGHĨA

.
.
.