Thứ Sáu, 06/12/2024, 14:08 (GMT+7)
.

Quốc hội thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (QH) đã thông qua 2 nghị quyết gồm: Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình PCMT) và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (gọi tắt là Chương trình phát triển văn hóa).

2 nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong PCMT. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

GIẢM CUNG, GIẢM CẦU, GIẢM TÁC HẠI CỦA MA TÚY

Hiện nay, tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác PCMT ở nước ta. Việc ban hành Nghị quyết chủ trương đầu tư Chương trình PCMT được giới chuyên môn đánh giá là kịp thời với những chỉ tiêu cụ thể nhằm tập trung giải quyết những hạn chế còn tồn tại và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác PCMT.

Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Mục tiêu tổng quát được nêu trong Nghị quyết là đến năm 2030 phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong PCMT; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCMT trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Cụ thể là: Hằng năm giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy; phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá.

Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCMT. 

Hằng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%.

Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; phấn đấu 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập bảo đảm điều kiện theo quy định của Luật PCMT; trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định; ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về PCMT; phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCMT cho người học tại 100% nhà trường và trên 70% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Đồng thời, bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.

Tổng vốn thực hiện Chương trình PCMT tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng với nguyên tắc phân bổ như sau: Đối với địa phương tự cân đối ngân sách thì tự bảo đảm kinh phí để thực hiện Chương trình PCMT từ ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đang nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình PCMT.

Trung ương ưu tiên hỗ trợ ngân sách trung ương cho PCMT ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các nhiệm vụ cấp bách của Chương trình PCMT để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc phân bổ ngân sách trung ương và bố trí ngân sách địa phương bảo đảm phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Việc bố trí ngân sách thực hiện Chương trình PCMT bảo đảm không trùng lặp với các chương trình MTQG khác; có giải pháp lồng ghép nguồn vốn với các chương trình MTQG, chương trình, dự án khác một cách phù hợp; khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, gia đình, cá nhân trong công tác PCMT…

CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, ĐỒNG BỘ CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình phát triển văn hóa vừa được thông qua, phấn đấu đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

(1) Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử.

(2) Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn.

(3) Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích).

(4) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước. (5) Phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

(6) Phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

(7) 90% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

(8) Các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến. (9) Hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.  

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng với nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung vào các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo đột phá trong phát triển văn hóa. Thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp chính quyền địa phương.

Ngân sách trung ương ưu tiên hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên. Đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, chỉ hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Căn cứ tổng mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phân bổ, bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động với các chương trình MTQG khác...

Nghị quyết cũng nêu cụ thể 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 cần phấn đấu đạt nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc...

Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Chú trọng hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

HOÀI THU

.
.
.