'Sẽ có chính sách vượt trội để tinh giản cán bộ, công chức'
Bộ Nội vụ đang xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và vượt trội để tinh giản đội ngũ cán bộ công chức và giữ chân người tài khi tinh gọn bộ máy.
"Cơ chế, chính sách làm cơ sở sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ công chức khi tinh gọn bộ máy là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, tác động rất lớn đến xã hội, nhưng đòi hỏi phải làm nhanh", Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nói tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7-12.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang xây dựng nghị định nhằm giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ công chức trong bộ máy nếu có nguyện vọng chuyển sang khu vực khác, không làm ở nhà nước nữa; đồng thời tính toán cơ chế giữ chân, thu hút người tài trong nước và quốc tế vào nền công vụ.
Theo ông Minh, tinh thần là vừa đảm bảo mục tiêu tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và sự phát triển, nhưng quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ. Người có trình độ, phẩm chất, năng lực vượt trội sẽ được ưu tiên bố trí, sử dụng, nhất là trong lĩnh vực đặc thù.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh. Ảnh: Lan Hạ |
Chính sách với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tinh giản cũng cần có sự đồng thuận từ hai bên. Ông Minh lấy ví dụ nếu cán bộ công chức, người lao động muốn nghỉ thì cần sự đồng thuận của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Bởi có những người có năng lực trình độ, khi nhìn thấy khoản tài chính hấp dẫn có thể xin nghỉ, ra ngoài khu vực nhà nước làm công việc khác.
"Vậy nên phải tính toán căn cơ, bài bản, làm sao tinh gọn bộ máy nhưng cần tái cấu trúc và sau khi sắp xếp chúng ta có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ", ông Minh nói.
Dự thảo nghị định sẽ được Bộ Nội vụ hoàn thành sớm để xin ý kiến Chính phủ, Trung ương, Bộ Chính trị. Sau đó Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua theo quy trình rút gọn để chính sách được thực hiện ngay, đồng bộ với các đề án tinh gọn bộ máy đang được triển khai.
"Bộ Nội vụ đang làm ngày làm đêm để nghiên cứu các phương án với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng", ông Minh nói.
Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6-12, dự kiến có 5 bộ và 3 cơ quan ngang bộ sẽ duy trì, chỉ tinh gọn bên trong. 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao nhiệm vụ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, đảm bảo tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ. Nếu cần thiết duy trì mô hình tổng cục, các bộ phải báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét.
Mỗi bộ duy trì một đầu mối tổ chức tương ứng với lĩnh vực tổ chức cán bộ, pháp chế, hợp tác quốc tế, văn phòng, kế hoạch tài chính, thanh tra. Các bộ rà soát cục, vụ theo hướng tinh gọn, chỉ duy trì các cục, vụ có đối tượng quản lý chuyên ngành. Với các cục, vụ liên thông gắn kết, cần kiện toàn thành một đầu mối.
Việc chuyển các vụ thành cục cần hạn chế tối đa, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Thực hiện phương án nêu trên, Chính phủ sau khi tinh gọn sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Mô hình này sẽ tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ.
Theo vnexpress.net