Thứ Tư, 04/12/2024, 16:41 (GMT+7)
.

Tên các bộ ngành, cơ quan sau sắp xếp, hợp nhất phải bảo đảm tính kế thừa

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, tên gọi của các bộ ngành, cơ quan sau khi hợp nhất, sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của bộ, cơ quan.

Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Ban Chỉ đạo) tại phiên họp thứ nhất ngày 30-11-2024.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao việc Bộ Nội vụ trong một thời gian ngắn đã kịp thời, khẩn trương chuẩn bị các tài liệu kỹ lưỡng, khoa học phục vụ cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Các đại biểu đã phát biểu trách nhiệm, đúng trọng tâm, sát những vấn đề cần tập trung cao trong việc triển khai các nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ, đúng ý kiến phát biểu của đại biểu.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan thành lập ngay Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18.

Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp; đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, trong đó lưu ý có cơ chế quản lý phù hợp đối với tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, nhất là những tập đoàn lớn, quan trọng; có giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.

5 Phó thủ tướng chỉ đạo sắp xếp các bộ

Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng với Bộ Nội vụ và các cơ quan dự kiến hợp nhất, sắp xếp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy để triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ…

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, hoàn thiện dự thảo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của tổ chức đảng của Chính phủ, các bộ, cơ quan của Chính phủ.

Cùng với đó là khẩn trương nghiên cứu, rà soát để ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, đề xuất giải pháp về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan triển khai công việc liên tục, thông suốt, không gián đoạn.

Tên gọi của các cơ quan sau khi hợp nhất, sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của bộ, cơ quan.

Thủ tướng kết luận, Thường trực Chính phủ phụ trách khối trực tiếp chỉ đạo sắp xếp hợp nhất giữa các bộ, tổ chức bên trong của các bộ, ngành.

Cụ thể, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì cùng Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phụ trách việc hợp nhất Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì việc hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì việc hợp nhất Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Khoa học & Công nghệ thành Bộ Chuyển đổi số và Khoa học Công nghệ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì việc hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì chủ trì việc sắp xếp Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Các Phó Thủ tướng phụ trách khối được phân công và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai ngay việc quán triệt sắp xếp, hợp nhất và dự kiến các phương án; báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ từ ngày 9-12 đến ngày 15-12-2024.

Theo vietnamnet.vn


 

.
.
.