Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Cân nhắc việc bỏ xét tuyển sớm
“Xét tuyển sớm giống như những cửa hàng mở cửa từ 7 giờ sáng để hút khách, dù quy định mở cửa là 8 giờ, gây mất công bằng”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ví von.
Chiều 7-12, tại họp báo Chính phủ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp thông tin về tiến độ các vụ đại án, chủ yếu là các vụ như Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty cổ phần tập đoàn Thuận An.
Quang cảnh họp báo Chính phủ chiều 7-12. Ảnh: QUANG PHÚC |
Hiện các cơ quan điều tra của Bộ Công an đang hết sức khẩn trương, tích cực để có thể điều tra theo đúng quy định của pháp luật và sớm kết thúc vụ án. “Cho đến nay, chưa có thông tin gì thêm có thể cung cấp cho báo chí. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí tiến độ vụ án vào thời điểm thích hợp”,
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đối với vụ án Công ty cây xanh Công Minh, cơ quan an ninh khởi tố ngày 8-5-2024 về 2 tội danh: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa và nhận hối lộ”. Cho đến nay, qua quá trình điều tra, đã khởi tố vụ án nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can.
Để có căn cứ giải quyết vụ án này, hiện cơ quan điều tra đã có yêu cầu hội đồng giám định của 16 tỉnh giám định tài sản với 413 dự án trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, đã có 1 tỉnh có kết luận. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục giám định và cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp cung cấp thêm thông tin, hồ sơ và tài liệu cần thiết phục vụ công tác giám định tài sản.
“Bên cạnh công tác phối hợp giám định tài sản, cơ quan điều tra cũng đang cố gắng tập trung điều tra làm rõ, cá thể hóa trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Người phát ngôn Bộ Công an nêu.
Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã giải thích vì sao dự thảo quy chế tuyển sinh đại học đang lấy ý kiến khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm không quá 20%, còn lại 80% dành cho kỳ xét tuyển chung.
Theo Thứ trưởng, việc thay đổi này của quy chế tuyển sinh áp dụng từ năm 2025 nhằm bảo đảm công bằng, chất lượng; nâng cao hiệu quả cũng như tạo thuận lợi cho các thí sinh và các trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC |
Thứ trưởng cho biết, từ năm 2017, bắt đầu có một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ và một số thành tích khác của học sinh. “Khi một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm thì giống như cuộc chạy đua, một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể đứng yên được mà cũng phải lao vào cuộc cạnh tranh đó. Tất cả cùng vất vả, từ cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ, xét tuyển và các em học sinh đang học lớp 12 cũng đôn đáo chạy các chứng chỉ, làm hồ sơ, rồi các thầy cô giáo phải xác nhận các thủ tục giấy tờ… để gom tuyển sinh”, ông Hoàng Minh Sơn nói.
Vấn đề là tất cả vất vả nhưng hiệu quả mang lại không cao. Thống kê cho thấy, cứ có 8 nguyện vọng trúng tuyển (trong xét tuyển sớm) thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau có 1 em nhập học (vì mỗi em trung bình có 4 nguyện vọng xét tuyển sớm). Điều đó dẫn đến tỷ lệ ảo cao, đẩy điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp rất cao, gây mất công bằng.
“Xét tuyển sớm giống như những cửa hàng mở cửa từ 7 giờ sáng để hút khách, dù quy định mở cửa là 8 giờ, gây mất công bằng”, Thứ trưởng ví von.
Mặt khác, nhiều trường xét tuyển chỉ bằng học bạ 5 học kỳ, do đó học kỳ cuối lớp 12 các em gần như không học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Điều này các trường phổ thông phản ánh rất nhiều. Nhiều em thậm chí khi đã đỗ lớp 10 vào trường chuyên thì yên tâm là đỗ đại học xét tuyển sớm, nên các em không học hết các môn học, chỉ học cái gì các em thích, điều này khiến chất lượng giáo dục phổ thông có tác động tiêu cực, dẫn đến cả chất lượng đào tạo đại học về sau, khi các em không chuẩn bị nền tảng tốt.
Từ những bất cập đó, Bộ GD-ĐT đã rút ra từ thực tiễn nhiều năm, lắng nghe ý kiến trực tiếp từ người trong cuộc để điều chỉnh. Khi giảm tỷ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.
Thứ trưởng cũng thông tin, ngày 6-12, Bộ GD-ĐT đã có buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các trường, không ít trường đề nghị bỏ hẳn xét tuyển sớm, chỉ xét tuyển chung vào một đợt. “Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, liệu để 20% chỉ tiêu hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt. Bộ GD-ĐT cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… của các trường. Lúc đó các trường chỉ xem xét các điểm”, Thứ trưởng nêu.
Về phía học sinh, các em cũng yên tâm học hết lớp 12 và lựa chọn nguyện vọng, "không phải làm gì nhiều, không phải nộp hồ sơ qua đường giấy, không phải đến từng trường, chỉ lựa chọn đúng ngành, đúng trường trên hệ thống và tự động mọi việc đã được chuyển đổi số toàn diện". Điều đó tạo ra sự thuận lợi và hiệu quả cho tất cả, hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng, chất lượng, hiệu quả, thuận tiện.
Theo sggp.org.vn