Chủ Nhật, 15/12/2024, 10:15 (GMT+7)
.

Thủ tướng nêu tên 7 tỉnh chậm số hóa hộ tịch, 15 tỉnh chưa đảm bảo an ninh thông tin

Thủ tướng yêu cầu 7 địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, 15 địa phương khẩn trương khắc phục những tồn tại về an ninh an toàn thông tin.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 14/12/2024 về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, tạo nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những bộ, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả Đề án 06 (điển hình như: Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, UBND các địa phương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên Huế,…). Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 38 nhiệm vụ của Đề án 06 chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Đề án 06.

Để tiếp tục triển khai Đề án này thực chất, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, các Bộ, ngành nằm trong định hướng cơ cấu, sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy chủ động nghiên cứu phương án hợp nhất và nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành mình, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm kế thừa các kết quả đã triển khai, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy trình nội bộ để đáp ứng các quy định của Luật Giao dịch điện tử; thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt sáng tạo, hiệu quả cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính; sớm có phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa.

Các bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia trong quý II/2025.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất triển khai, tích hợp những loại giấy tờ đang quản lý, đẩy mạnh làm giàu dữ liệu, sẵn sàng mở rộng và tích hợp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID (như xác định tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin về ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục...)...

Về phía địa phương, Thủ tướng yêu cầu 15 tỉnh gồm: An Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định khẩn trương khắc phục những tồn tại về an ninh an toàn, đảm bảo theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các Công văn 1552/BTTTT-CATTT ngày 26/4/2022 và Công văn số 708/BTTTT-CATTTT ngày 2/3/2024.

UBND 7 địa phương Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Nam Định, Quảng Nam, Kiên Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, đảm bảo tiến độ theo quy định. Báo cáo lộ trình trong tháng 12/2024.

Chỉ đạo rà soát thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa, trước mắt ưu tiên đối với dữ liệu đất đai đã được số hóa, nghiên cứu đưa vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm các thủ tục hành chính về cư trú như giải pháp tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai đã triển khai trong thời gian vừa qua, trên tinh thần quận, huyện, xã, phường nào đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngay.

Căn cứ 19 mô hình điểm đã triển khai thành công tại TP. Hà Nội lựa chọn những mô hình phù hợp với đặc thù của địa phương để triển khai, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương mình, trong đó tập trung đối với hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, thu thuế khoán hộ gia đình và đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ.

UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bình Dương, An Giang chỉ đạo Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương triển khai liên tuyến dữ liệu, bệnh án điện tử phục vụ khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện thuộc Bắc Ninh - Bạch Mai, Bình Dương, An Giang - Chợ Rẫy.

Tăng cường kiểm tra công vụ đối với cơ quan, đơn vị và lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó chú trọng kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị số 04/CT-TTg tại cơ quan, đơn vị mình trong năm 2024, đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện Đề án 06; đề xuất cơ quan có thẩm quyền biểu dương các điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ, phát hiện xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Báo điện tử Công Thương

.
.
.