Tiền Giang: Đẩy mạnh cải cách hành chính trên các nội dung
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được kết quả khá toàn diện và nổi bật, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đặc biệt đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
ĐẨY MẠNH CCHC
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 335 ngày 4-3-2024 về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) năm 2024 của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao. (Trong ảnh: Cán bộ, đoàn viên, thanh niên các sở, ngành thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC). |
Theo đó, 46 TTHC được phê duyệt có liên quan đến các lĩnh vực văn bằng, chứng chỉ, chính quyền địa phương, bảo vệ thực vật, quản lý giá, di sản văn hóa, quốc tịch, đất đai, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp…
Công tác rà soát, đánh giá các quy định, TTHC được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, nhằm kịp thời phát hiện để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng yêu cầu nguyên tắc về quy định và thực hiện TTHC, hoặc để cắt giảm chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ TTHC. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội.
Tính đến quý 3 năm 2024, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành 17 quyết định để công bố danh mục 570 TTHC; trong đó, công bố 294 TTHC theo quy định mới và bãi bỏ 276 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã; đồng thời, cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nâng tổng số TTHC của tỉnh hiện có 1.807 TTHC (cấp tỉnh 1.497 thủ tục, cấp huyện 218 thủ tục và cấp xã 92 thủ tục). Tất cả TTHC sau khi được công bố đều được các cơ quan, đơn vị công khai theo đúng quy định.
Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đang kiểm tra, rà soát lại danh mục, nội dung các TTHC đã được công bố thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh để tiếp tục cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Hiện nay, 100% TTHC sau khi được UBND tỉnh công bố ban hành đã được các sở, ban, ngành cấp tỉnh cập nhật vào Hệ thống thông tin TTHC của tỉnh theo đúng quy định và công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị. Niêm yết công khai đầy đủ, đúng quy định đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại địa điểm tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Về công tác cải cách thể chế, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt. Các sở, ngành tỉnh đã rà soát, đề xuất UBND tỉnh xử lý xong 18 VBQPPL (9 nghị quyết và 9 quyết định) không còn phù hợp.
Kết quả xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ ngày 6-6-2024 đến ngày 5-9-2024, tổng số hồ sơ cập nhật vào phần mềm một cửa điện tử 145.164 hồ sơ (141.323 hồ sơ đã giải quyết và 3.841 hồ sơ đang giải quyết). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn đạt 94,5% (133.543/141.323 hồ sơ); đúng hạn 4,24% (5.996/141.323 hồ sơ); trễ hạn 1,26% (1.784/141.323 hồ sơ). So với cùng kỳ, tỷ lệ giải quyết trước hạn tăng 5,03%, đúng hạn giảm 5,06% và trễ hẹn tăng 0,26%. |
Các sở, ngành tỉnh cũng đã rà soát 96 văn bản của trung ương, phát hiện có 22 văn bản không phù hợp hoặc có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập hoặc vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định xếp hạng I đối với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; Quyết định điều chỉnh số lượng người làm việc giao năm 2024 và Báo cáo nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2024 - 2025 về Bộ Nội vụ tổng hợp; thành lập Hội đồng quản lý Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Công nghệ thông tin trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông thuộc Sở Y tế.
Về cải cách chế độ công vụ, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, quyết định như: Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2025; Phê duyệt chỉ tiêu xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức của Trung tâm Mua sắm tập trung tỉnh; Đề án Thi nâng ngạch công chức, trình Bộ Nội vụ phê duyệt chỉ tiêu nâng ngạch theo quy định; Quyết định nghỉ hưu, chuyển chức danh nghề nghiệp, miễn nhiệm, bổ nhiệm các chức danh…
Về cải cách tài chính công, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo các nghị định, thông tư. Có 404/404 đơn vị, cơ quan hành chính thực hiện chế độ tự chủ, đạt tỷ lệ 100% (trong đó cấp tỉnh 41/41 đơn vị, cấp huyện 191/191 đơn vị, cấp xã 172/172 đơn vị).
633 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính (trong đó 27 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 36 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: 113 đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên; 457 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên).
HƯỚNG ĐẾN CHÍNH QUYỀN SỐ
Việc hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển chính quyền số luôn được triển khai mạnh mẽ; hệ thống VBQPPL trên các lĩnh vực được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, quản lý nhà nước tốt hơn. Trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên.
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân tiếp cận, thao tác trên cổng dịch vụ công trực tuyến. |
Hệ thống họp trực tuyến 2 chiều của tỉnh với 207 điểm cầu kết nối các điểm cầu từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Về phát triển xã hội số, hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển xã hội số tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Mạng di động 4G phủ sóng đến tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 100%. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% xã, phường, thị trấn; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp và phục vụ chuyển đổi số của chính quyền.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh tiếp tục được vận hành thông suốt, hiệu quả, đã kết nối, tích hợp 14/23 hệ thống/cơ sở dữ liệu của tỉnh với phần mềm, hệ thống ứng dụng các bộ, ngành trung ương.
Các sở, ban, ngành tiếp tục vận hành khai thác sử dụng 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu các ngành từng bước hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của bộ, ngành và của tỉnh trong công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục triển khai thí điểm và đánh giá hiệu quả Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Tiền Giang (IOC).
Công tác CCHC là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, việc tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác CCHC là rất cần thiết. Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh các giải pháp thực hiện quyết liệt để công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, nhằm tiếp tục cải thiện tích cực những chỉ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp để không ngoài mục đích cuối cùng đó là làm được nhiều việc nhất, sử dụng ít nguồn lực nhất, người dân hài lòng nhất.
LÊ PHƯƠNG