Tiền Giang: Nâng cao đạo đức công vụ cán bộ, công chức, viên chức
Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của tỉnh. Nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ CBCCVC gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt, triển khai, đưa nội dung trên vào chương trình hoạt động thường xuyên.
CBCCVC luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. |
Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Việc thực hiện “5 xây” (trách nhiệm, trung thực, chuyên nghiệp, kỷ cương, gương mẫu), “3 chống” (quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức) trở thành phong trào, tạo sự lan tỏa sâu rộng về nhận thức, ý thức của CBCCVC trong thực thi công vụ.
Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến theo hướng đơn giản hóa, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Các cơ quan, đơn vị có nhiều cải tiến lề lối làm việc, quy trình phối hợp; công khai, minh bạch hoạt động công vụ; triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành.
Nhiều giải pháp, cách làm mới được thực hiện đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đảm bảo sự trung thực, siết chặt kỷ cương, đề cao tính gương mẫu và chống quan liêu, tiêu cực, bệnh hình thức trong CBCCVC.
Qua đó, hệ thống chính quyền các cấp được củng cố; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực từng bước được nâng lên. Đội ngũ CBCCVC và người lao động không ngừng trưởng thành, ý thức tu dưỡng đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ nhân dân chuyển biến tốt; xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức tận tụy, thân thiện trong nhân dân.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, nền kinh tế thị trường hiện nay đã ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận CBCCVC dẫn đến có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Phần lớn tập trung ở các lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế, giao thông... gây hậu quả nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong nhân dân.
Cùng với đó, tình trạng CBCCVC sử dụng thời gian làm việc không phù hợp, thiếu trách nhiệm, giải quyết công việc sai quy định, hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc thiếu nhiệt tình, thiếu thân thiện trong việc tiếp công dân vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Từ những hạn chế, khó khăn bất cập trong việc thực thi công vụ nêu trên, để nâng cao đạo đức công vụ đối với CBCCVC trong cơ quan, đơn vị cần chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống CBCCVC. Xây dựng chế độ đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá CBCCVC khách quan, công khai và chính xác năng lực, phẩm chất, sử dụng đúng người đúng việc, xử lý trách nhiệm đối với một số trường hợp vi phạm đạo đức công vụ triệt để, nghiêm túc để có tính răn đe.
Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng văn hóa công vụ và văn hóa công sở để dần hình thành nền nếp, thói quen và nét đẹp văn hóa trong hoạt động công vụ - văn hóa công vụ. Nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan, đoàn thể và nhân dân.
Tăng cường công tác giám sát các hoạt động công vụ thông qua việc công khai các quy định, quy trình, thủ tục… Từ đó, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà về TTHC trong việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng cần thật sự gương mẫu nêu gương về đạo đức công vụ, lối sống và trách nhiệm trong công việc cũng sẽ tác động đến tư tưởng, lập trường của cấp dưới trong việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa khuyết điểm, tu dưỡng đạo đức trong thực thi công vụ. Đồng thời, góp phần giáo dục và nâng cao trách nhiệm của CBCCVC, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
P. MAI