.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, tặng quà người có công tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp, thăm Trường THPT Tràm Chim và khảo sát công trình thi công dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu

Cập nhật: 21:11, 11/12/2024 (GMT+7)

 Chiều 11/12, tiếp theo chương trình làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương dự buổi gặp gỡ các đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Đồng Tháp nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông.

a
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung chăm lo tốt hơn cho các gia đình người có công. Hội đồng nhân dân Tỉnh ban hành hai nghị quyết hỗ trợ theo đặc thù địa phương đối với mức chi thăm hỏi, tặng quà nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ, dịp Tết Nguyên đán và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hiện nay, tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang sinh sống tại gia đình đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Trong 3 năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được hơn 2.000 căn nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng.

Toàn tỉnh không còn hộ người có công không có nhà ở, chỉ còn dưới 10 hộ nghèo, cận nghèo do có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình neo đơn, bệnh tật kéo dài. Các địa phương đã có biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh.

Riêng trong dịp Tết Ất Tỵ, tỉnh và các địa phương đã có kế hoạch tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho người có công trên địa bàn. Dự kiến, sẽ trao trên 43.500 suất quà, với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng để bà con vui xuân, đón Tết.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chăm lo cho các gia đình chính sách, đảm bảo 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tỉnh Đồng Tháp lời thăm hỏi ân cần và lòng biết ơn sâu sắc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tổng Bí thư ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp - Đất Sen hồng trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng của địa phương. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc và chịu nhiều mất mát, hy sinh. Đồng Tháp đã công nhận hơn 62.000 đối tượng chính sách, hiện 7.500 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Địa phương đã làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, có chính sách đặc thù dành cho người có công; tổ chức điều tra thông tin mức sống người có công trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ kịp thời và sát thực tế; có cách làm hay trong xây dựng, sửa chữa “Nhà tình nghĩa"; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; hỗ trợ đời sống, hỗ trợ khó khăn đột xuất khi người có công gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật; nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống...

Tổng Bí thư đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể tỉnh Đồng Tháp phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với nước, với cách mạng. Các địa phương, các cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, THỐNG NHẤT đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các đồng chí thương binh, bệnh binh, cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho quê hương ngày càng giàu mạnh, xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư đã trao quà tặng đại diện 80 gia đình chính sách, cựu chiến binh lão thành và Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

* Cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã tới thăm Trường trung học phổ thông Tràm Chim (huyện Tam Nông) và trao tặng 3 phòng học STEM cho Trường trung học phổ thông Tràm Chim, Trường trung học phổ thông Tân Hồng (huyện Tân Hồng) và Trường Trung học phổ thông Châu Thành 1 (huyện Châu Thành).

Mô hình giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Tại Đồng Tháp, từ năm học 2019-2020, đã triển khai thí điểm mô hình Giáo dục STEM trong các trường trung học phổ thông.

a
Tổng Bí thư Tô Lâm thực hiện nghi thức khai trương phòng thực hành giáo dục STEM tại Trường trung học phổ thông Tràm Chim. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)

Từ năm học 2020-2021, tỉnh đã triển khai đại trà đến tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn đều triển khai mô hình giáo dục STEM. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có bốn Phòng STEM chỉ được trang thiết bị cơ bản. Ở các trường còn lại, chỉ là tận dụng các trang thiết bị hiện có, tự làm thêm một số đồ dùng dạy học phục vụ cho một số chủ đề STEM trong chương trình môn học.

Món quà của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa to lớn đối với các trường trung học phổ thông được trao tặng và đối với ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp. Các phòng học STEM được trang bị góp phần mở ra cơ hội học tập và sáng tạo cho các em học sinh, là động lực giúp các nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, xây dựng môi trường giáo dục tiên tiến, đào tạo thế hệ trẻ vững bước trên con đường chinh phục tri thức và công nghệ số, đào tạo công dân số làm chủ công nghệ 4.0.

Phát biểu tại Trường trung học phổ thông Tràm Chim (huyện Tam Nông), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển kỹ năng. Thay vì chỉ chú trọng vào lý thuyết, chúng ta cần tăng cường hoạt động thực hành, khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá và làm việc nhóm.

a
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm phòng thực hành giáo dục STEM tại Trường trung học phổ thông Tràm Chim. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)

Giáo dục STEM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết như tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Cần tích hợp tiếng Anh vào các môn học khác, tạo môi trường học tập ngoại ngữ ngay từ cấp tiểu học và xem đây là ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong giáo dục cũng là một hướng đi tất yếu mà chúng ta cần phải hướng tới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách chủ động, hiệu quả hơn để sau này dễ dàng tiếp cận ở các bậc học cao hơn và phù hợp với xu thế. Phát triển các phòng học STEM là một bước đi đúng hướng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một xã hội học tập, một đất nước phát triển bền vững.

* Cùng ngày, Tổng Bí thư và Đoàn Công tác Trung ương khảo sát công trình thi công dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh).

Quốc lộ 30 - đoạn Cao Lãnh-An Hữu đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang dài khoảng 27km, nhưng mặt đường hẹp chỉ có hai làn xe.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, giai đoạn 1, thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chiều dài khoảng 16km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 đã được khởi công ngày 25/6/2023. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang cũng đã được khởi công, chiều dài khoảng 11,45km (trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 3,8km), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng.

a
Tổng Bí thư Tô Lâm khảo sát Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)

Giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác dự kiến 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/giờ.

Ban Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, Dự án thành phần 1 có một gói thầu xây lắp. Để thi công Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thành phần 1, nhà thầu đã huy động hơn 450 kỹ sư và công nhân, hơn 180 đầu thiết bị để tổ chức thi công với 44 mũi thi công.

a
Thi công tại công trường xây dựng dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 (đoạn qua xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh). (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tặng quà và động viên các kỹ sư, công nhân làm việc tại công trường, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các công nhân đã cố gắng, tích cực triển khai thực hiện thi công hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn. Đây là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Đồng Tháp, công trình cần được hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm nhất, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.