Cảm nhận đầu xuân về vận nước
Muốn đất nước thịnh vượng, phát triển đều phải thực hiện những thay đổi phi thường từ cải cách kinh tế, giáo dục, quân sự cho đến những thay đổi trong cuộc sống đời thường.
Đầu xuân, trong tôi trước hết vẫn là những cảm nhận về không khí ngày Tết. Xuân về hoa đẹp khắp nơi. Hoa trong công viên, trên các tuyến phố, tại các nơi bán hoa ngày Tết và hoa trong mọi gia đình.
Nhưng năm nay, cái lấn át trong tôi hơn cả là cảm nhận đầu xuân về đất nước, về vận nước. Nghe có quá sáo không khi mình chỉ là một phần tử nhỏ bé của đất trời bao la lại cảm, lại nghĩ về những điều quá to lớn của dân tộc. Tôi vốn không ưa những gì khuôn sáo, khoe khoang, nhưng tự nhiên lúc này cũng không có cách nào khác ngoài những từ ngắn gọn ấy.
Đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Ảnh: Nguyễn Huế |
Ngoài 70 tuổi chút mới lần đầu cảm nhận thực sự vận nước có cơ lên. Nói có cơ lên bởi nếu không cẩn thận thì cái cơ đi lên đó sau khi xuất hiện không chỉ sẽ bị lụi tàn, mà thậm chí đất nước còn tụt lùi về tít tận đâu đâu. Nói lần đầu cảm nhận rất có thể có người sẽ hỏi thế hồi năm 1986 với Đại hội VI của Đảng không cảm được chút nào về sự thay đổi sẽ diễn ra của đất nước sao. Nói rất thật là vào thời điểm đó, với riêng tôi, mọi thứ vẫn còn chung chung, xa vời. Có lẽ vì tuổi đời tôi còn khá trẻ, tuổi nghề công chức cũng chưa có gì đáng kể. Nói ngắn gọn là chưa đủ độ chín để cảm nhận được ngay từ đầu sự đổi mới toàn diện của đất nước được khởi xướng vào năm đó.
Còn lần này thì khác. Với những gì đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên đất nước, đặc biệt là tại Hà Nội với những thông điệp và việc làm từ ban lãnh đạo cao nhất của đất nước, trong tôi đã manh nha dần niềm tin vào một sự thay đổi lớn của đất nước, vào sự trỗi dậy của đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Lịch sử một số nước cũng như lịch sử nước ta đã chứng minh và hy vọng lần này cũng chứng minh mỗi sự thay đổi căn bản, có tính bước ngoặt trong phát triển của mỗi quốc gia đều luôn gắn với vai trò quyết định của một số ít cá nhân lãnh đạo xuất chúng. Nếu không có họ thì những quốc gia này cũng chỉ bình bình như bao quốc gia khác mà thôi. Nói đến các cá nhân kiểu này, trong tôi luôn khắc sâu 4 khuôn mặt đã làm nên bước chuyển mình vĩ đại của đất nước họ.
Canh tân đất nước
Nhân vật đầu tiên phải kể đến chính là Pierre Đại đế của nước Nga thế kỷ 17 và 18. Pierre (1672-1725) là Sa Hoàng của nước Nga và sau đó là Hoàng đế của đế quốc Nga. Ông được tôn vinh là Pierre Đại đế và được xem là một trong những nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử nước Nga. Ông đã đưa một nước Nga lạc hậu, đi sau các nước Tây Âu hàng trăm năm, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vươn lên thành một cường quốc khiến cho các nước châu Âu phải nể vì.
Một trong nhiều bằng chứng thuyết phục là nước Nga đã giành chiến thắng trước 2 cựu thù vào thời đó là đế quốc Ottoman và Thụy Điển. Cứ cái gì làm cho đất nước phát triển là ông cho thực thi. Đó là việc cấm để râu, bỏ mặc áo thụng, là xóa bỏ lịch của Nga, chuyển sang sử dụng lịch giống như các nước châu Âu, là cử người sang các nước châu Âu học tập, mời chuyên gia nước ngoài vào Nga làm việc, xây dựng hạm đội Nga, xây dựng Saint Petersburg là thành phố mang tính châu Âu nhất trong toàn bộ các đô thị của Nga… Đặc biệt, ông tổ chức lại bộ máy nhà nước, xóa bỏ Viện Duma quý tộc - cơ quan ngày càng bất mãn với những cải cách của ông, xóa bỏ bộ máy nhà nước cồng kềnh, xây dựng một nhà nước tập quyền mạnh…
Lịch sử dường như rất biết cách phân vai, bởi nếu Pierre Đại đế là của thế kỷ 17 và 18 thì thế kỷ 19 lại xuất hiện một vị lãnh đạo anh minh tại Nhật. Đó chính là Minh Trị lên ngôi Thiên Hoàng vào năm 1868.
Giới nghiên cứu đều thống nhất ở một điểm chung là nếu không có Minh Trị mở ra cuộc canh tân đất nước với mục tiêu đưa Nhật trở thành một cường quốc sánh vai cùng các nước hùng cường trên thế giới thì khó mà có được một nước Nhật phát triển như ngày nay.
Điều trùng hợp là giống như nước Nga lạc hậu lúc Pierre Đại đế khởi sự cuộc cải cách đất nước thì Nhật cũng trong tình trạng tương tự khi Minh Trị bước lên vị trí cao nhất của quốc gia. Vì yếu kém nên Nhật cũng bị các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức… ép ký một loạt hiệp ước bất bình đẳng về chủ quyền và thương mại. Thiên Hoàng Minh Trị hiểu rằng con đường duy nhất Nhật phải đi để xóa bỏ các hiệp ước đó chính là Nhật phải vươn lên sánh vai cho được với các cường quốc phương Tây.
Người lãnh đạo cao nhất của nước Nhật đã cho tiến hành một loạt các cuộc cải cách như cải cách kinh tế, cải cách giáo dục, cải cách quân sự… Giống như Pierre Đại đế, Minh Trị cũng quan niệm các nước phương Tây phát triển được như vậy, tại sao không học những cái tốt của họ. Nếu như ở Nga là cấm để râu thì ở Nhật là cắt tóc ngắn. Người phương Tây thông minh vì họ ăn thịt nên người Nhật cũng cần ăn thịt nhiều hơn. Nhật bỏ ăn tết nguyên đán theo âm lịch và chuyển sang dùng dương lịch. Nhật cũng cử người đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và có chế độ đãi ngộ cao để thu hút chuyên gia, giáo sư nước ngoài vào Nhật làm việc. Đặc biệt, sau khi tham khảo, Nhật quyết định chọn mô hình tổ chức nhà nước theo hệ thống đại nghị mà điển hình là Anh và Đức, không theo mô hình tổ chức nhà nước tổng thống chế của Mỹ.
Kết quả của cuộc canh tân đất nước dưới triều Minh Trị Thiên Hoàng đã đưa Nhật trở thành một cường quốc. Với thắng lợi của Nhật trong cuộc chiến Trung - Nhật 1894-1895 và trong cuộc chiến Nga - Nhật 1904-1905, các cường quốc phương Tây phải nhìn nhận Nhật là một cường quốc. Tất cả các hiệp ước bất bình đẳng trước đây giữa Nhật và các nước phương Tây đều bị xóa bỏ.
Tầm nhìn và sự quyết đoán
Thế kỷ 20 có nhiều cá nhân lãnh đạo kiệt xuất, nhưng người gây ấn tượng lớn trong tôi lại là cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Có thể còn có sự đánh giá khác nhau về ông, nhưng tôi luôn tin rằng không có ông thì không thể có một Hàn Quốc như ngày nay.
Sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đắm chìm trong nghèo khó, tăng trưởng kinh tế gần như số không. Lên cầm quyền, ông cho thực hiện nhiều biện pháp, trong đó quan trọng là chống tham nhũng, phát triển kinh tế theo mô hình tập trung. Ông tập trung phát triển các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia với sự hỗ trợ của chính phủ. Ông khuyến khích sản xuất để xuất khẩu với khẩu hiệu “xuất khẩu: tốt, nhập khẩu: xấu“. Với sự chỉ đạo của ông, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã đạt tăng trưởng kinh tế 8,3%/năm và kế hoạch 5 năm lần thứ hai đã đạt tăng trưởng ở mức trên 11%/năm.
Muốn đất nước thịnh vượng, phát triển phải thực hiện những thay đổi phi thường từ cải cách kinh tế, giáo dục, quân sự cho đến những thay đổi trong cuộc sống đời thường. Ảnh: Xuân Ngọc |
Tầm nhìn và sự quyết đoán của Tổng thống Park được thể hiện rõ nét với việc xây dựng đường cao tốc Seoul - Busan. Ấn tượng với đường cao tốc ở Mỹ và Đức cũng như hiểu rõ vai trò của đường cao tốc trong phát triển kinh tế của đất nước, ông quyết tâm phải xây dựng cho bằng được tuyến đường cao tốc đầu tiên của Hàn Quốc. Thiếu vốn, không có kinh nghiệm và công nghệ, thiết bị, lại bị nghị viện phản đối, ông vẫn quyết định xây dựng đường cao tốc Seoul -Busan. Ông thường xuyên có mặt trên công trường để kiểm tra tiến độ thi công và đề ra các biện pháp giải quyết khó khăn trong quá trình xây dựng.
Sau 29 tháng thi công, tuyến đường cao tốc với chiều dài 416km đã được hoàn tất. Sự thành công này như một minh chứng hùng hồn về quyết tâm mãnh liệt trong ông, đó là không gì là không thể. Sau 18 năm cầm quyền, ông đã đưa Hàn Quốc lên một tầm phát triển mới, nâng thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 90 USD năm 1961 lên 1.784 USD vào năm 1979, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Hàn Quốc như ngày nay.
Nhân vật cuối cùng dù muốn dù không cũng phải kể đến chính là “kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại“, kiến trúc sư của công cuộc cải cách, xây dựng một “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc“ Đặng Tiểu Bình.
Không có Đặng Tiểu Bình rất khó có thể tiên liệu về một Trung Quốc hậu cách mạng văn hóa lại có cơ phát triển rực rỡ như ngày nay. Vẫn biết sự phát triển của mỗi quốc gia có lúc hưng, lúc thịnh, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng trầm đến mức như Trung Quốc với di sản cách mạng văn hóa để lại thì khó hình dung sự trỗi dậy nhanh chóng của đất nước này. Nhưng nhờ có những thay đổi, cải cách căn bản trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế mà vị kiến trúc sư này chỉ đạo đã tạo ra sự phát triển đầy ấn tượng của đất nước. Sự thực dụng và năng động trong phát triển được thể hiện trong các chính sách và phương châm như “mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột", một quốc gia, hai chế độ, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp…
Vị kiến trúc sư này cũng đã đặt nền móng cho những thay đổi khó có thể hình dung trước đó trong quan niệm, hệ tư tưởng của Trung Quốc về Đảng Cộng sản, về nhà nước, về giai cấp công nhân, về làm giàu…
Đánh giá về vai trò và công lao của ông, tờ People’s Daily đã viết chính sách của ông Đặng và các đồng chí của ông “đã cứu Trung Quốc tại thời khắc gay cấn nhất của lịch sử“ và “đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, vươn tới thịnh vượng”.
Bốn nhà lãnh đạo vừa nêu không hẹn mà đều hội tụ trong mình những phẩm chất và giá trị như tầm nhìn chiến lược, sự quyết đoán, tham vọng và thực dụng, chí học hỏi nước ngoài… Muốn đất nước thịnh vượng, phát triển đều phải thực hiện những thay đổi phi thường từ cải cách kinh tế, giáo dục, quân sự cho đến những thay đổi trong cuộc sống đời thường. Không nước nào trong 4 nước không có những cải cách đáng kể hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức nhà nước.
Theo vietnamnet.vn