Chính phủ năm 2025: Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2024, trong đó thống nhất chủ đề điều hành của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội
Về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ thống nhất đánh giá: Nhờ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 trong hoàn cảnh đầy "sóng to, gió lớn", tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KTXH; tạo nền tảng, tạo đà, khí thế mới, tâm thế mới, tạo niềm tin, tạo hi vọng, tạo động lực mạnh mẽ để hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Tốc độ tăng GDP quý IV ước 7,55%, cả năm tăng 7,09% so với năm 2023, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, nâng quy mô nền kinh tế đạt khoảng 476,3 tỷ đô la Mỹ (USD), đứng thứ 33 thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,63%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao trong khi đã thực hiện tăng lương, điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm so với năm 2023; tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt khoảng 15,08%, vượt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, vượt 19,8% dự toán trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023; xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp ở mức 24,77 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 38,23 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, là mức thực hiện cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh đầu tư toàn cầu sụt giảm.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng chung. Nông nghiệp phát triển ổn định, xuất siêu nông sản đạt 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%; bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%; đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm 2023. Năng suất lao động ước tăng 5,88%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt trên 233,4 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các dự án tồn đọng, kéo dài được giải quyết cơ bản; nhiều dự án có lãi, trả nợ vay đúng hạn. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đã thực hiện xong việc chuyển giao bắt buộc đối với 04 ngân hàng kiểm soát đặc biệt; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, điều tra, bản án.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được thúc đẩy vượt bậc
Nghị quyết cũng đánh giá: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược được thúc đẩy vượt bậc, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực; hoàn thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối sau hơn 06 tháng thi công thần tốc; trình Quốc hội việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ vướng mắc để đưa vào khai thác các dự án điện năng lượng tái tạo có giá trị trên 13 tỷ USD. Đưa vào sử dụng 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km; phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"; đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung chuẩn bị đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Liên Chiểu. Đã phê duyệt 63/63 quy hoạch tỉnh, 34/38 quy hoạch ngành quốc gia; công bố 06 quy hoạch vùng, phê duyệt 47 kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ứng phó sát tình hình, từ sớm, từ xa, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa cao nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Kịp thời động viên thăm hỏi, chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động KTXH, không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh được cứu chữa.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Tổ chức chiều chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm; trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam thi đấu xuất sắc và giành vô địch bóng đá khu vực Đông Nam Á năm 2024. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm an sinh xã hội; đã tích lũy trên 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội từ ngày 01 tháng 7 năm 2024; các chương trình tín dụng chính sách đã hỗ trợ vay vốn cho hơn 2,3 triệu đối tượng. Thị trường lao động, việc làm chuyển biến tích cực; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,7 triệu đồng/tháng; đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ hộ gia đình đánh giá có thu nhập không đổi và tăng lên năm 2024 đạt 96,3%, tăng 2,2% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 1,93%, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%; chỉ số hạnh phúc theo xếp hạng của Liên Hợp quốc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/145 quốc gia được xếp hạng. Thực hiện tốt phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng lên; học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế; thực hiện tự chủ đại học thực chất hơn, nhiều cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,3%, tăng 1,1%. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 xếp thứ 44 thế giới, tăng 02 bậc so với năm 2023. Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm chủ nhiều kỹ thuật cao về y khoa. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm, thực hiện hiệu quả; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ… được chú trọng. Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông chính sách; kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, xuyên tạc; củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội.
Đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, "đột phá của đột phá" với tinh thần đổi mới tư duy, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật. Đã trình Quốc hội thông qua 28 luật, 24 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 18 dự án luật; điều chỉnh thời điểm hiệu lực thi hành sớm một số luật; sửa đổi Luật Đầu tư công, thông qua Luật sửa 9 luật lĩnh vực tài chính, 4 luật lĩnh vực đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW để chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo phương châm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy để trình Bộ Chính trị và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ; đã ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 51/51 đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai nghiêm túc. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí; trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính; xử lý sau thanh tra, thu hồi tối đa tiền, tài sản về ngân sách nhà nước; triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến; chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; kịp thời xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, biên giới, biển đảo, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh trên các địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực… Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, toàn diện; đã tổ chức thành công 59 hoạt động đối ngoại cấp cao, đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam; ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác; nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm vào xử lý các thách thức chung; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá tích cực về kết quả và triển vọng phát triển KTXH của nước ta. Biểu dương các thành phố lớn và một số địa phương là động lực tăng trưởng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...; các địa phương: Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang… mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực, phấn đấu, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đạt được những kết quả tích cực, đứng trong tốp đầu về tăng trưởng và đóng góp vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tập trung, nỗ lực khắc phục. Ổn định kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro; sản xuất công nghiệp tuy chuyển biến tích cực nhưng còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và sức mua của thị trường; sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, xâm nhập mặn; một số dự án trọng điểm chưa đáp ứng tiến độ; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường...
Năm 2025: "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá"
Bước sang năm 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; năm khởi động, chuẩn bị của nhiệm kỳ 2026 - 2031 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; chúng ta vừa phải tập trung thực hiện để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách nhà nước. Thống nhất chủ đề điều hành của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận hội, "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, tạo đà thuận lợi, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2021 - 2025.
Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị, gửi các bộ, cơ quan liên quan xử lý theo quy định; yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt sâu sắc và quyết liệt triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng, thiết thực, hiệu quả, khắc phục cho được những hạn chế, tồn tại đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra; tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tết Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Hoàn thiện 2 Nghị quyết về phát triển KTXH, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành (trong đó, giao các bộ, ngành, địa phương xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước năm 2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 01 năm 2025).
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết trước ngày 20 tháng 01 năm 2025.
Về Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cùng thời điểm ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều đổi mới, luôn bám sát thực tiễn, quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh toàn diện, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024, Nghị quyết của Chính phủ đánh giá: Năm 2024, khối lượng công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng nhiều và nặng nề hơn, nhưng với bản lĩnh vững vàng, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm, trách nhiệm, đoàn kết, nhất trí cao, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương bám sát Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều hành đúng hướng, thống nhất, khoa học, linh hoạt, kịp thời, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Nhân dân; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm theo Hiến pháp và pháp luật; phát huy tinh thần đoàn kết, vai trò, trí tuệ tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ; giải quyết công việc theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ và quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ. Phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều đổi mới, luôn bám sát thực tiễn, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh, cấp bách để có phản ứng chính sách phù hợp; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân, làm việc không kể ngày đêm; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã xem xét xử lý 15.852 phiếu trình giải quyết công việc; Chính phủ ban hành 185 Nghị định, 329 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 Quyết định quy phạm pháp luật, 1.846 Quyết định cá biệt, 47 Chỉ thị, 142 Công điện và 3.044 văn bản chỉ đạo, điều hành. Hoàn thành toàn bộ Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc trình 82/82 đề án. Tổ chức hơn 80 chuyến công tác địa phương, xử lý hơn 200 kiến nghị; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc triển khai nhiều công trình, dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; tổ chức hơn 1.000 hội nghị, cuộc họp, làm việc để xử lý các công việc theo thẩm quyền.
5 bài học kinh nghiệm
Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết qua thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó: (1) Nắm chắc tình hình KTXH, an ninh, quốc phòng, đối tác, đối tượng, địa bàn để phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với các vấn đề mới phát sinh, nhạy cảm, khó, phức tạp trong thực tiễn; (2) Đoàn kết nhất trí, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; (3) Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc; không trông chờ, ỷ lại, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tự kiêu, tự mãn, say sưa với những kết quả đạt được mà phải khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, nhất là ý kiến góp ý xác đáng của những người có trách nhiệm, tâm huyết, của Nhân dân, nhà khoa học, chuyên gia…; (4) Coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán, kịp thời, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, vượt qua giới hạn bản thân với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân"; (5) Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
Theo baochinhphu.vn