Thứ Tư, 15/01/2025, 10:28 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH TIỀN GIANG VÀ CẤP HUYỆN TIẾP XÚC CỬ TRI:

Đóng góp của cử tri giúp cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ tốt hơn

Sáng 14-1, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Trần Thanh Nguyên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè và TP. Gò Công đã đến tiếp xúc cử tri một số xã, phường thuộc TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè và TP. Gò Công.  

Tại buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND tỉnh thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa X và thông tin nội dung trả lời của UBND tỉnh, các ngành liên quan đến những ý kiến, kiến nghị của cử tri trong lần tiếp xúc trước Kỳ họp thứ 15.

Đồng thời, đại biểu HĐND TP. Gò Công, HĐND huyện Cái Bè và HĐND TX. Cai Lậy cũng thông tin đến cử tri nội dung Kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND các huyện, thị, thành... Tiếp đó, cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến địa phương.

QUAN TÂM ĐẾN VẤN ĐỀ SÁP NHẬP CÁC BỘ, NGÀNH

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phường 2 (TX. Cai Lậy) quan tâm đến vấn đề sáp nhập các bộ, ngành Trung ương, ở địa phương và thông tin ngành Công an sáp nhập còn 3 cấp. Cử tri kiến nghị đại biểu HĐND tỉnh thông tin về vấn đề này để thuận lợi cho người dân nắm bắt khi có trao đổi công việc đối với các cơ quan nhà nước.

Cử tri huyện Cái Bè kiến nghị, phản ánh tại buổi tiếp xúc.
Cử tri huyện Cái Bè kiến nghị, phản ánh tại buổi tiếp xúc.

Trả lời vấn đề này, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương chia sẻ, về chủ trương chung, hiện nay bộ máy nhà nước Việt Nam đang rất lớn, với số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm gần 70% tổng thu ngân sách. Điều này đã hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển đất nước. Vì vậy, Trung ương đã có chủ trương triển khai đồng loạt việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy từ Trung ương đến địa phương.

Tại Tiền Giang, việc sắp xếp các sở, ban, ngành cấp tỉnh sẽ được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể là dự kiến sẽ sáp nhập Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng với Sở Giao thông Vận tải.

Tổng thể, tỉnh sẽ sắp xếp lại một số sở, ngành; đồng thời, tinh giản số phòng, ban bên trong các sở. Ở khối Đảng, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ được sáp nhập thành Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy...

Riêng về ngành Công an, tại hội nghị tổng kết công tác an ninh trật tự ngày 7-1-2025, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Dự kiến của đề án là sẽ nghiên cứu sắp xếp Công an thành 3 cấp (Trung ương, tỉnh, xã) thay vì 4 cấp như hiện nay. Trong đó, 53 nhiệm vụ của Công an cấp huyện sẽ được phân bổ lại: 13 nhiệm vụ chuyển về Công an cấp xã và 40 nhiệm vụ chuyển về Công an tỉnh.

Tuy nhiên, việc giải thể Công an cấp huyện đang được nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều mặt để đảm bảo sự đồng bộ trong hoạt động của các cơ quan tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án). Một vấn đề nữa là các quy định pháp luật hiện hành đang quy định 4 cấp, muốn chuyển sang 3 cấp phải sửa đổi luật.

Vì vậy, chúng ta phải chờ sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành từ 4 cấp sang 3 cấp. Hiện nay đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến để tìm ra phương án hiệu quả nhất.

Về nhân sự, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan sẽ giảm từ 20% - 25% biên chế. Việc sắp xếp sẽ dựa trên năng lực và phẩm chất, giữ lại những cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất tốt và sắp xếp lại những người làm việc kém hiệu quả.

PHẢN ÁNH VẤN ĐỀ THU TIỀN ĐIỆN

Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè) có ý kiến liên quan đến vấn đề thu tiền điện. Cử tri cho biết không nhận được tin nhắn thông báo tiền điện, ngành Điện vào cắt điện, người dân phải đóng tiền phạt. Một số cử tri cũng phản ánh trên phiếu thu tiền điện chỉ ghi số tiền mà thiếu thông tin kWh nên người dân không theo dõi được.

Cử tri TP. Gò Công kiến nghị, phản ánh tại buổi tiếp xúc.
Cử tri TP. Gò Công kiến nghị, phản ánh tại buổi tiếp xúc.

Ngoài ra, một số tháng số tiền điện tăng bất thường, cử tri không nắm được cách thức ghi số kWh điện đã sử dụng. Cử tri đề nghị giải thích cụ thể vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề điện, đại diện ngành Điện lực huyện Cái Bè cho biết, theo quy định, trước khi phát hành phiếu thu, hóa đơn điện tử đều được Cục Thuế tỉnh phê duyệt đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, trên hóa đơn điện tử cũng như trên phiếu thu của các đơn vị trung gian như Bách Hóa Xanh in phiếu thiếu số kWh nên cử tri chỉ thấy số tiền.

Để giám sát được sản lượng điện tiêu thụ và số tiền thanh toán, trong nội dung tin nhắn gửi cho khách hàng có ghi đầy đủ thông tin chỉ số cũ, chỉ số mới, số tiền… Ngoài ra, để xem được thông tin cụ thể, cử tri có thể cài app trên điện thoại để dễ dàng theo dõi thông tin cũng như lịch cúp điện trên địa bàn.

Đối với vấn đề không nhận được thông báo tiền điện và hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đại diện ngành Điện lực huyện Cái Bè cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, kể từ năm 2020 ngành Điện chuyển đổi từ hình thức gửi giấy báo tiền điện qua hình thức điện tử và chuyển đổi hình thức thu tiền điện tại nhà sang hình thức thu không dùng tiền mặt.

Trước khi thực hiện chuyển đổi này, ngành Điện cũng đã thông báo qua tin nhắn, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình thực hiện, một số người dân phản ánh không nhận được tin nhắn thông báo tiền điện, theo đó ngành Điện đã thống kê nguyên nhân chủ yếu do khi khách hàng ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị cung cấp điện cung cấp số điện thoại, căn cứ theo số điện thoại này Điện lực gửi tin nhắn thông tin đến khách hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khách hàng thay đổi số điện thoại mà không thông báo cho ngành Điện lực nên khách hàng không nhận được tin nhắn hoặc là người thân cài app thanh toán tiền điện nhưng lại quên báo lại cho gia đình dẫn đến chậm trễ đóng tiền điện. Do đó, cử tri nên quan tâm theo dõi vấn đề này, thực hiện đúng quy định để không bị cắt điện hay đóng phạt.

Liên quan đến việc theo dõi chỉ số điện năng sử dụng, đại diện ngành Điện lực huyện Cái Bè cho biết, thực hiện chuyển đổi số và tạo điều kiện cho khách hàng thuận tiện trong việc giám sát và theo dõi lịch ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng, ngành Điện đã và đang tiến hành thay công tơ điện tử.

Công tơ điện tử truyền dữ liệu về trung tâm qua các bộ tập trung tự động đọc dữ liệu và truyền về máy chủ lưu trữ. Từ đó hạn chế sai sót hay nhầm lẫn trong việc ghi chỉ số công tơ do con người ghi thủ công, điều này đảm bảo tính chính xác, tiện lợi cho người dân theo dõi. Nếu nghi ngờ, cử tri phản ánh đến ngành Điện lực Cái Bè để ngành cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra cụ thể, chấn chỉnh để phục vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Trần Thanh Nguyên đã thông tin đến cử tri về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2024, tỉnh Tiền Giang đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt; trong đó, nhiều chỉ tiêu thực hiện vượt so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh thì có sự quan tâm theo dõi góp ý của cử tri tỉnh nhà. Đồng chí Trần Thanh Nguyên cảm ơn các ý kiến đóng góp của cử tri trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đồng thời, mong muốn cử tri tiếp tục quan tâm theo dõi đóng góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp của cử tri sẽ giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ hơn những hạn chế, bất cập và kịp thời tháo gỡ để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Việc quan tâm góp công, góp sức, góp ý, đồng hành chia sẻ của cử tri đối với chính quyền cũng là góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Thanh Nguyên đề nghị các cơ quan, các ngành, địa phương quan tâm xử lý, tháo gỡ các vấn đề cử tri phản ánh; nhất là liên quan đến vấn đề điện, ngành Điện cần có giải pháp hiệu quả hơn, đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, cần tăng cường tập huấn để người dân cập nhật, hiểu và thực hiện đúng quy định… Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề phủ kín mạng lưới nước sinh hoạt trong thời gian tới…

 KIẾN NGHỊ LẮP ĐẶT BIỂN BÁO GIAO THÔNG

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phường Long Thuận (TP. Gò Công) kiến nghị phương tiện giao thông qua lại đông đúc tại các tuyền đường đang thi công, cụ thể là tỉnh lộ 871C, đường ngã ba Xóm Rạch (đoạn đi ngang qua Trường Tiểu học Long Thuận), cử tri đề nghị chính quyền, các ngành chức năng lắp đặt biển báo giao thông hoặc có phương án cụ thể để phân luồng lưu lượng xe, nhằm giảm thiểu tình trạng gây tai nạn giao thông, tạo kiều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.

Vấn đề này đã được lãnh đạo chính quyền thành phố ghi nhận và có kế hoạch tham mưu cấp trên xem xét, đề ra giải pháp phù hợp để đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri.

Tại điểm tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi đã trả lời ý kiến cử tri tại kỳ họp trước về việc thuốc bảo hiểm y tế tại trạm y tế. Đồng thời, thông tin thêm về hoạt động của HĐND tỉnh, trong đó nhấn mạnh kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh.

Trong năm 2024, HĐND tỉnh tổ chức Đoàn giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; tổ chức giám sát “Tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.

Ngoài ra, các Ban HĐND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt giám sát chuyên đề về các vấn đề cử tri quan tâm. Qua giám sát, HĐND cũng như các Ban HĐND tỉnh đã có kiến nghị các ngành, các cấp tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, đáp ứng nguyện vọng cử tri.

THU HOÀI - TUẤN LÂM - LÊ NGUYÊN

 

.
.
.