Nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng Lễ kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút
Trong 4 ngày (từ ngày 3-1 đến 7-1), UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Lễ kỷ niệm là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025), mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025 và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng đến chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Do đó, các hoạt động tại lễ kỷ niệm được tổ chức chủ yếu ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành và Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút. Ảnh: MINH THÀNH |
Cụ thể, phần Lễ diễn ra vào ngày 7-1, gồm các hoạt động: Lễ viếng, đặt tràng hoa và dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút) và Lễ kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785 - 20-1-2025) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, với quy mô khoảng 500 đại biểu.
Phần Hội diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7-1 tại khu di tích với nhiều hoạt động như: Trưng bày hình ảnh về Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ; không gian giới thiệu Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút qua công nghệ số (từ ngày 3-1 đến ngày 7-1 tại khu di tích và ngày 7-1 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh); Hội thi và trưng bày tác phẩm chưng nghi, chưng mâm ngũ quả; thi đấu quyền thuật trong Võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang năm 2025 (ngày 6-1); Chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhân dân với chủ đề “Linh thiêng tiếng sóng Rạch Gầm” (đêm 7-1)…
Điểm nổi bật trong hoạt động lễ kỷ niệm năm nay là phần trưng bày, triển lãm hơn 100 hình ảnh quý về Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ do Bảo tàng Tiền Giang và Bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định phối hợp thực hiện.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện không gian giới thiệu khu di tích, với mong muốn khắc họa một cách sinh động toàn cảnh bức tranh về Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút cách đây 240 năm.
Ngoài ra, việc tổ chức thi đấu quyền thuật trong Võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang năm 2025 nhằm quảng bá những môn phái Võ cổ truyền của dân tộc do các bậc tiền nhân sáng lập; tôn vinh khí khách hiên ngang của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và các thế hệ ông, cha trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo mối giao lưu của các võ đường và khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần lan tỏa tinh thần thượng võ, nhân văn của dân tộc.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tổ chức kỳ vọng quảng bá nhiều hơn nữa về hình ảnh quê hương, con người Tiền Giang trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của ông cha ta; đồng thời, tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần “Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút” trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại khu di tích do phóng viên Văn Thảo thực hiện vào sáng ngày 5-1.
Những ngày này, Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đón hàng ngàn lượt khách du lịch từ nhiều đoàn học sinh, sinh viên từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh bạn, các trường trong tỉnh về đây tổ chức các hoạt động về nguồn. |
Du khách tham quan trưng bày, triển lãm hình ảnh về Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ tại khu di tích. |
Trường THCS Bình Trị Đông (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thi "Hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ" nhân chuyến về nguồn tại Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút. |
Chiếc mỏ neo cao 3,39 m được cho là của tàu chiến quân Xiêm trong trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút được phát hiện tại sông Tiền đã thu hút khách đến tham quan. |
Học sinh thích thú tìm hiểu các hiện vật được trưng bày tại khu di tích. |
HẢI ĐĂNG - T.T