.

"Tiếp lửa" truyền thống, xây dựng quê hương

Cập nhật: 17:07, 06/01/2025 (GMT+7)

240 năm qua, âm vang của Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 20-1-1785 vẫn mãi bất diệt theo thời gian. Giá trị của cuộc chiến thắng ấy không những là niềm tự hào của dân tộc, quê hương Tiền Giang, mà còn là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn, huyện Châu Thành luôn tự hào, phát huy truyền thống anh hùng, cùng chung sức, chung lòng viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

GIỮ VỮNG, NÂNG CHẤT CÁC TIÊU CHÍ NÔNG THÔN MỚI

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn qua nhiều nhiệm kỳ luôn đoàn kết, cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Đoàn viên, thanh niên xã Kim Sơn thắp hương tưởng niệm tại Tượng đài Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Đoàn viên, thanh niên xã Kim Sơn thắp hương tưởng niệm tại Tượng đài Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Đến với Kim Sơn ngày nay, chúng tôi nhìn thấy được sự thay đổi bộ mặt nông thôn mới, diện mạo mới, sức sống mới với những con đường nhựa bê tông sạch sẽ, khang trang từ các ngõ, xóm, ấp ra đến đường tỉnh lộ 864; cơ sở vật chất văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư hiện đại, kiên cố; quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự xã hội ổn định.

Theo đó, kinh tế của xã nhà ngày càng phát triển, người dân xã Kim Sơn hết sức năng động, sáng tạo trong việc lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào trong sản xuất, chăn nuôi. Năm 2024, diện tích tự nhiên của xã khoảng 1.162 ha, diện tích đất nông nghiệp hơn 787 ha và diện tích đất trồng cây ăn trái hơn 787 ha, với sản lượng bình quân trên 19.000 tấn.

Trong đó, sa pô là cây trồng chủ lực và thế mạnh của địa phương nên có diện tích trồng khoảng 645 ha, chiếm phần lớn tổng diện tích cây ăn trái của xã, mang lại giá trị kinh tế khá cao trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo ổn định đời sống, tăng thu nhập của người dân.

Được biết, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Kim Sơn và UBND xã sẽ thực hiện mô hình sản xuất sa pô theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện mô hình này đang thực hiện đánh giá để cấp giấy chứng nhận VietGap, nâng tầm giá trị trái sa pô, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo đầu ra cho sản phẩm của địa phương.

Đồng chí Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết: “Tự hào, phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, lịch sử truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, hằng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và các dịp đặc biệt, Đảng ủy, Chính quyền và cán bộ, đảng viên, đoàn viên của xã Kim Sơn đến khu di tích đặt tràng hoa, thắp hương tưởng niệm, biết ơn những cống hiến, hy sinh của cha ông đi trước để bảo vệ sự tự do, độc lập của dân tộc.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn luôn kết hợp chặt chẽ giữa việc giáo dục truyền thống yêu nước gắn liền với với nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương, nhất là phấn đấu duy trì, giữ vững và nâng chất 19 tiêu chí nông thôn mới…

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn tiếp tục vươn mình, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2025, góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Không dừng lại ở đó, những nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân xã Kim Sơn còn được thể hiện bởi sự đoàn kết toàn dân khi thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Hệ thống chính trị của xã được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn chiếm tỷ lệ khá cao. Theo kết quả rà soát điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, trong đó, hộ thoát nghèo là 7 hộ, thoát cận nghèo 7 hộ, hộ cận nghèo phát sinh là 7 hộ; tổng số hộ nghèo cuối năm là 27 hộ, hộ cận nghèo là 77 hộ.

Do đó, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã, ấp luôn tranh thủ các nguồn lực, tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững nhằm giảm tối đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân.

 “ĐỊA CHỈ ĐỎ” TRONG GIÁO DỤC THẾ HỆ TRẺ

Có thể thấy, việc giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng là việc làm quan trọng. Thông qua các hoạt động về nguồn đã giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc và những giá trị cao đẹp cần được giữ gìn và phát huy.

 Quang cảnh xã nông thôn mới Kim Sơn.
Quang cảnh xã nông thôn mới Kim Sơn.

Xuyên suốt thời gian qua, tự hào và phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh thực hiện tốt các hoạt động giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho thanh thiếu niên và thiếu nhi.

Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Nguyễn Thị Kim Tuyền cho biết: “Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút luôn là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng được các đơn vị lựa chọn để hướng về.

Hằng năm, Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động về nguồn nhằm tạo điều kiện cho thanh thiếu niên, thiếu nhi đến tham quan và tìm hiểu các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn tỉnh nói chung và Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút nói riêng.

Không những thế, Huyện đoàn còn tích cực khuyến khích Liên đội các trường học trên địa bàn huyện tổ chức các hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế sôi nổi, thu hút đông đảo thiếu nhi, học sinh khi đến với khu di tích.

Trong thời gian tới, Huyện đoàn Châu Thành sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức thêm các hoạt động hành trình về nguồn, về “địa chỉ đỏ” tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút. Điều này sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh niên; đồng thời, tạo môi trường mới để cán bộ, đoàn viên, thanh niên phấn đấu rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh”.

Còn tại các cấp Đoàn cơ sở trên địa bàn huyện, đặc biệt là Đoàn Thanh niên xã Kim Sơn cũng tích cực triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về quê hương anh hùng cho thế hệ trẻ.

Sa pô là cây trồng chủ lực của xã Kim Sơn.                                                           Ảnh: THU HOÀI
Sa pô là cây trồng chủ lực của xã Kim Sơn. Ảnh: THU HOÀI

Bí thư Xã đoàn Kim Sơn Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: “Được học tập và trưởng thành trên mảnh đất anh hùng, thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên luôn cảm thấy tự hào về lịch sử, văn hóa phong phú nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của dân tộc. Tự hào, nối tiếp và phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đoàn Thanh niên xã Kim Sơn tổ chức các hoạt động về nguồn, ôn lại lịch sử tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút, thường xuyên phát động việc dọn vệ sinh quanh khu di tích… để giúp thế hệ trẻ ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bản thân đối với quê hương, phát huy vai trò thanh niên vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thời gian qua, Xã đoàn Kim Sơn phối hợp tốt với các ngành chức năng, kịp thời tham mưu với cấp ủy để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Đoàn đề ra, nhất là tập trung thực hiện tuyên truyền qua các trang mạng xã hội của Đoàn - Hội - Đội (Zalo, Facebook, Fanpage); treo băng rôn tuyên truyền cổ động; xây dựng, chia sẻ các bộ sản phẩm tuyên truyền hiện đại như: Infographic, trailer; ra quân thực hiện công trình, phần việc thanh niên với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong tổ chức Đoàn và được cộng đồng ghi nhận, hưởng ứng tích cực”.

LÊ NGUYÊN - T.T

.
.
.