.

Tinh gọn bộ máy: Người ở lại là gánh vác việc nước, người về là vì nước

Cập nhật: 07:39, 02/01/2025 (GMT+7)

Trong sắp xếp nhân sự, cần coi tinh gọn bộ máy là một cơ hội đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của cán bộ. Nên quán triệt tinh thần chung là người ở lại là gánh vác việc nước, người về là vì nước.

Những chuyển động lớn đang diễn ra trên cả nước nhằm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị cho thấy tín hiệu về bước tiến trọng đại trong công cuộc cải cách của đất nước năm 2025.

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào những đổi thay bước ngoặt với nhiều biến động phức tạp khôn lường, lựa chọn của người lãnh đạo có ý nghĩa quyết định để một quốc gia trong hành trình phát triển của mình sẽ đi lên hay đi xuống, đi nhanh hay đi chậm, đi được rất xa hay chỉ quanh quẩn sống nhờ lợi thế tài nguyên mà ông cha để lại.

Nỗ lực cải cách gần bốn thập kỷ qua đã cho thấy những lựa chọn đúng đắn của lãnh đạo đã đưa Việt Nam tiến lên một bước dài.

a
Quyết sách tinh gọn bộ máy được khởi xướng từ thông điệp về ‘Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc’ của Tổng Bí Thư Tô Lâm thể hiện một tầm nhìn chiến lược sáng suốt. Ảnh: Nhật Bắc

Quyết sách tinh gọn bộ máy còn là một bước đi quả cảm có tính đột phá rất cao để đưa Việt Nam tiếp tục đi lên, tới một tầng cao mới với ba thuộc tính quan trọng.

Thứ nhất, nó là điều mà toàn dân trông đợi đã từ lâu.

Thứ hai, nó thể hiện khả năng nắm bắt tối đa xu thế thời đại.

Thứ ba, nó tạo nên nền tảng cho một công cuộc phát triển nội sinh, khơi dậy sức mạnh cộng hưởng của cả dân tộc.

Tinh gọn bộ máy là một nỗ lực cốt tử, quyết định sự thành bại của toàn bộ tiến trình cải cách của đất nước trong những ngày tháng tới. Nỗ lực này sẽ không chỉ phải vượt qua những khó khăn thách thức hiện tại mà còn phải kiến thiết nên một nền công vụ ưu tú mà thế hệ mai sau sẽ cảm phục và tự hào.

Thực hiện trọng trách này, vì vậy, đòi hỏi ở đội ngũ lãnh đạo không chỉ ý chí quyết tâm vượt bậc mà cả tài thao lược trong dẫn dắt đổi thay; không chỉ hiểu biết sâu sát thực tế mà cả nỗ lực tham vấn chuyên gia trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phát huy sức mạnh của tổng lực, động lực và năng lực

Tinh gọn bộ máy cần dựa trên chiến lược sâu sắc, có tầm nhìn xa, biết rõ đích đi tới trong 2-3 thập kỷ tới, nắm chắc xu thế và kinh nghiệm toàn cầu, và thấu hiểu điểm mạnh-yếu của chính mình, và lường tính thấu đáo các thách thức cốt tử và hệ quả có tính hệ thống của mỗi quyết sách cụ thể.

Trong chiến lược tinh gọn bộ máy, cần chú ý nâng cao tính năng ‘linh hoạt’ (agile) của mỗi tổ chức. Điều này cho phép các cơ quan công quyền có khả năng thích ứng cao với xu thế đổi thay ngày càng mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trên quy mô toàn cầu. Đây là lợi thế quan trọng bên cạnh sáu tiêu chí đã xác lập: Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng -Hiệu lực-Hiệu quả.

Tinh gọn bộ máy công quyền cần phát huy sức mạnh tổng hòa của ba yếu tố cội nguồn: Tổng lực, động lực, và năng lực.

Trong khi năng lực và động lực (đặc biệt là cơ chế đãi ngộ) hết sức quan trọng, yếu tố tổng lực đóng vai trò nền tảng, quyết định sự thành bại. Vì vậy, tinh gọn bộ máy cần hết sức coi trọng tăng cường khả năng tổng lực bên cạnh các cố gắng tối đa nhằm nâng cao năng lực và động lực khuyến khích.

Kinh nghiệm Singapore trong xây dựng chính phủ tổng lực cho thấy cần ưu tiên hai trọng tâm: Thiết kế nền tảng và thành lập các cục tác nghiệp chịu trách thực thi chính sách.

Thiết kế nền tảng chú trọng đến pháp lý minh bạch khúc chiết và cấu trúc bộ máy được phân định rõ chức năng với khả năng phối thuộc cao. Singapore tiến hành cải cách cấu trúc bộ máy này vào năm 1980 khi nhận thấy sự chồng chéo và thiếu tính tổng lực làm giảm hiệu năng và hiệu lực của bộ máy, đặc biệt khi cách bài toán phát triển ngày càng phức tạp và thách thức.

a
GS.TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore

Thiết lập các cục tác nghiệp trong bộ máy công quyền đem lại nhiều lợi ích quan trọng.

Thứ nhất, nó tách chức năng quản lý và thực thi chính sách ra khỏi bộ ngành để các bộ ngành tập trung vào nhiệm vụ quản trị, giám sát.

Thứ hai, các cục tác nghiệp hoạt động như doanh nghiệp với ý thức tạo nguồn thu trong thực thi chính sách. Chi ngân sách cho các cục tác nghiệp do đó chỉ là nguồn bổ sung. Do đó nó không chỉ giảm chi ngân sách mà còn giúp giám sát và thúc đẩy các cục tác nghiệp hoạt động hiệu quả, sáng tạo, coi người dân làm trung tâm phục vụ.

Thứ ba, mỗi cục tác nghiệp có hội đồng quản trị riêng với báo cáo hàng năm chi tiết về cả chiến lược và tài chính. Việc này giúp tăng sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, và nỗ lực đổi mới không ngừng.

Thứ tư, các cục tác nghiệp có quyền hạn linh hoạt trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là chuyên gia quốc tế với khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Cục tác nghiệp cũng có thể vay vốn cho các hoạt động đầu tư theo chức năng nhiệm vụ.

Cơ hội ghi nhận đóng góp thay vì đấu tố ai giỏi ai kém

Lựa chọn cán bộ và sắp xếp nhân sự trong tinh gọn bộ máy cần có tầm nhìn chiến lược, tiêu chí khoa học, và tình đồng chí.

Mỗi cán bộ dự kiến được ở lại cần trả lời rõ bốn câu hỏi sau: Ba thách thức lớn nhất mà đơn vị phải vượt qua hiện tại là gì? Anh/chị đã làm gì trong năm qua để giúp đơn vị vượt qua các thách thức này? Anh/chị dự kiến làm gì trong năm tới để giúp đơn vị vượt qua các thách thức? Tổ chức cần hỗ trợ gì cụ thể để anh/chị và đơn vị có tiến bộ rõ rệt trong vượt qua thách thức này trong thời gian tới?

Các câu hỏi này nên được đặt lại hàng năm vào dịp cuối năm và trả lời của mỗi cá nhân được lưu vào hồ sơ cán bộ.

Cán bộ được ưu tiên chọn lựa cần dựa trên những tiêu chí bao gồm cả năng lực chuyên môn và các tố chất giúp tạo nên sức mạnh cộng hưởng của cả đơn vị.

Trong tiêu chí chuyên môn, kinh nghiệm, cần chú trọng khả năng giải quyết được các bài toán khó hiện tại một cách sắc bén, sáng tạo. Trong tiêu chí chiến lược, cần chú trọng phẩm chất hiến dâng (thôi thúc hành động, không chấp nhận cài cắm và vụ lợi trong làm và thực thi chính sách, chính trực), năng lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng (tinh thần đồng đội, ý thức học hỏi-chia sẻ), và ý chí vươn lên với khát vọng dân tộc và tâm thế thời đại.

Trong sắp xếp nhân sự, cần coi tinh gọn bộ máy là một cơ hội đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của cán bộ thay vì là dịp đấu tố ai giỏi ai kém. Nên quán triệt một tinh thần chung là người ở lại là gánh vác việc nước, người về là vì nước.

Sức mạnh cảm hứng từ thông điệp ‘kỷ nguyên vươn mình’

Tinh gọn bộ máy là bước đi cấp bách chiến lược và phải vượt qua những khó khăn phức tạp chưa từng có. Vì vậy, nỗ lực này không chỉ cần đến các giải pháp hết sức khoa học và thực tế mà cả nguồn cảm hứng lớn lao từ khát vọng dân tộc và ý thức trách nhiệm của thế hệ người Việt Nam hôm nay.

Thông điệp ‘kỷ nguyên vươn mình’ có lẽ hàm chứa hình tượng vươn mình của Thánh Gióng.  Từ một đứa trẻ nhỏ chưa biết khóc biết cười, Thánh Gióng đã lớn như thổi trong tình yêu thương và kỳ vọng của toàn dân để làm nên chiến công phi thường giúp đất nước vượt qua hiểm nguy.

Cảm hứng từ câu chuyện vươn mình của Thánh Gióng gợi mở ba bài học lớn cho nỗ lực tinh gọn bộ máy.

Thứ nhất, đứng trước những thách thức sống còn, chúng ta phải nghĩ đến những lời giải phi thường, không thể hình dung từ nếp nghĩ thông thường.

Thứ hai, chỉ sức mạnh đồng lòng, vô song của toàn dân mới tạo nên điều kỳ vĩ. Không ngân sách nào có thể so sánh với gạo, củi, nồi niêu mà dân đóng góp nuôi lớn Thánh Gióng và trang bị đầy đủ cho ông.

Thứ ba, anh hùng nằm trong thế hệ trẻ, có thể còn vô danh, nhưng sẽ xuất hiện và đủ sức gánh vác trọng trách khi đất nước cần đến.

Nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel, Arthur Lewis, trong cuốn sách The Theory of Economic Growth (Lý Thuyết Tăng Trưởng Kinh tế), xuất bản năm 1955 tại trang 418 có những lời vừa có tính tổng kết vừa có tính tiên tri, tạm dịch là:

“Mọi quốc gia đều có được cơ hội để nắm bắt cho công cuộc phát triển nếu họ hội tụ đủ lòng quả cảm và ý chí vươn lên". "Một đất nước có thể bước vào giai đoạn phát triển cất cánh nếu may mắn có được đội ngũ lãnh đạo xứng tầm xuất hiện vào đúng thời điểm". "Không có quốc gia nào đạt được tiến bộ kinh tế vượt bậc nếu thiếu vắng nỗ lực kích hoạt tích cực từ một chính phủ thông tuệ...”

Dù được viết ra từ gần 70 năm trước đây, những dòng này dường như nói thay được cảm xúc đặc biệt của mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay khi nghĩ về VẬN NƯỚC. Việt Nam dường như đang hội đủ những yếu tố nền tảng cho dân tộc bước vào một kỷ nguyên phát triển vượt bậc – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngoài ba trọng tâm đột phá đã xác định là thể chế, hạ tầng, và nguồn nhân lực, Việt Nam cần bổ sung thêm hai trọng tâm đột phá: Tầm nhìn về tương lai và hội nhập quốc tế.

Bổ sung hai nội dung mới này tạo nên một chỉnh thể đột phá, giúp cho ba nội dung đột phá đã xác định mạnh mẽ hơn rất nhiều nhờ có hướng đi sáng rõ và khả năng khai thác triệt để sức mạnh thời đại.

Chẳng hạn, đột phá trong tầm nhìn về tương lai giúp nỗ lực xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và thiết kế bộ máy không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại mà còn đặc biệt chú trọng để lại di sản thể chế mà thế hệ tương lai cảm phục và tự hào.

Cũng với trọng tâm đột phá này, chúng ta sẽ quyết liệt hơn trong xây dựng hệ thống tàu điện ngầm và quy hoạch đô thị khi giải quyết nạn kẹt ở TP.HCM và Hà Nội thay vì dồn sức xây cầu vượt và cơi nới đường.

Với trọng tâm đột phá trong ‘hội nhập quốc tế’ chúng ta sẽ đưa ra những cải cách đặc sắc vượt xa cách tiếp cận truyền thống về rải thảm đỏ thu hút FDI và xúc tiến xuất khẩu. Các đột phá ở trọng tâm này chú ý khai thác nguồn lực toàn cầu ở đẳng cấp cao, chú trọng không chỉ về tài chính và công nghệ mà về kinh nghiệm phát triển và nguồn nhân lực quý hiếm.

Theo hướng này, thiết lập các khu thương mại tự do (KTMTD) là một ưu tiên cấp bách.

Kinh nghiệm thành công của Trung Quốc trong thiết lập các KTMTD trong 10 năm qua đem lại những bài học đáng tham khảo.

GS.TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore

(Theo vietnamnet.vn)




 

.
.
.